Mục lục

Mô hình hóa kết cấu bằng phương pháp mặt đáp ứng-một nghiên cứu áp dụng cho công trình ngầm

Trang: 236-244 Bùi Đức Chính
Tóm tắt

Bài báo này giới thiệu những kết quả nghiên cứu về mô hình hóa hệ thống/kết cấu bằng phương pháp mặt đáp ứng (Response Surface Method - RSM). Bài báo đã phân tích các kỹ thuật trong thiết kế thí nghiệm (Design of Experiments - DoE), các vấn đề liên quan đến mô hình hóa kết cấu sử dụng RSM, từ đó đề xuất trình tự mô hình hóa kết cấu bằng RSM. Dựa trên các phần mềm, Design of Expert và TUNA, đã tiến hành mô hình hóa một công trình ngầm (CTN) với các yếu tố đầu vào thay đổi. Những kết quả nhận được cho thấy RSM là một công cụ có hiệu quả trong mô hình hóa kết cấu. Các mặt đáp ứng tìm được bằng RSM rất thuận lợi trong nghiên cứu lượng hóa độ không chắc chắn (Uncertainty Quantification - UQ) của hệ thống/kết cấu.

Đặc tính điều động tàu: một vài bổ sung cập nhật mới

Trang: 245-253 Trịnh Xuân Tùng
Tóm tắt

Trên quan điểm về an toàn hàng hải, việc xác định các đặc tính điều động của con tàu ngay từ giai đoạn thiết kế ban đầu là rất quan trọng để loại trừ các con tàu có tính năng điều động kém. Các đặc tính điều động tàu đã được quy định rõ theo các tiêu chí đánh giá của IMO, tuy nhiên cần có sự soát xét, đánh giá và cập nhật thường xuyên cho phù hợp với sự phát triển hiện tại. Bài báo này đưa ra những cập nhật mới nhất về những tiêu chí và các phương pháp đánh giá tính năng điều động tàu được Hiệp hội Lai dắt quốc tế lần thứ 28 phê chuẩn vào tháng 9 năm 2017.

Phân tích chất lượng bảo mật cho mạng vô tuyến hợp tác áp dụng đa truy nhập phi trực giao

Trang: 254-263 Phạm Hồng Quân, Nguyễn Yến Chi
Tóm tắt

Đa truy nhập phi trực giao đang nổi lên như một kỹ thuật chính trong các mạng vô tuyến 5G. Bài báo này nghiên cứu bảo mật lớp vật lý cho hệ thống chuyển tiếp sử dụng kỹ thuật đa truy nhập phi trực giao với một chuyển tiếp song công. Hệ thống này chịu sự tấn công từ một thiết bị nghe lén và một thiết bị gây nhiễu. Cụ thể, xác suất rớt bảo mật được đưa ra trong bài báo này để đánh giá chất lượng bảo mật của hệ thống được xem xét. Kết quả mô phỏng chỉ ra rằng xác suất rớt bảo mật của hệ thống tăng nếu tăng các giá trị công suất phát của nguồn, của chuyển tiếp và của thiết bị nghe lén. Bài báo cũng chỉ ra sự ảnh hưởng của hệ số phân bổ công suất và các độ lợi kênh truyền đến chất lượng bảo mật của hệ thống.

Quy hoạch tối ưu vị trí trạm điện kéo trong hệ thống cung cấp điện đường sắt đô thị sử dụng thuật toán quy hoạch nguyên

Trang: 264-278 Trần Văn Khôi, Nguyễn Đức Khương
Tóm tắt

Vị trí và dung lượng trạm điện kéo có ảnh hưởng quan trọng trong các hệ thống cung cấp điện giao thông. Nó không chỉ đảm bảo vấn đề an toàn và tính liên tục trong vận hành mà còn ảnh hưởng quyết định tới chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cũng như chi phí vận hành trong giai đoạn khai thác. Bài báo này đề xuất một phương pháp mới để lựa chọn vị trí tối ưu của các trạm điện kéo trong các hệ thống giao thông điện đô thị. Phương pháp đề xuất dựa trên mô hình chuyển hóa phụ tải đoàn tàu di chuyển sang mô hình các phụ tải cố định, từ đó áp dụng thuật toán quy hoạch nguyên để tối ưu hóa số lượng trạm điện kéo và xác định vị trí các trạm với mục tiêu tối thiểu hóa tổng chi phí đầu tư xây dựng và chi phí vận hành trạm cũng như tổn thất công suất trên toàn tuyến trong quá trình vận hành khai thác. Phương pháp đề xuất được kiểm tra và hiệu chỉnh trên một hệ thống mô phỏng dựa trên số liệu tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Kết quả mô phỏng đã chứng minh tính khả thi và tính linh hoạt của phương pháp đề xuất, qua đó có thể được sử dụng là một giải pháp áp dụng trong giai đoạn lập kế hoạch sơ bộ cũng như trong giai đoạn thiết kế chi tiết cho hệ thống giao thông điện đô thị.

Dòng chảy Stokes trên bề mặt gồ ghề có chiều dài trượt cục bộ biến thiên theo hàm số Cosine

Trang: 279-288 Trần Anh Tuấn, Nguyễn Đình Hải
Tóm tắt

Nghiên cứu này liên quan đến dòng chảy Stokes trên bề mặt gồ ghề đặc trưng bởi chiều dài trượt cục bộ biến đổi tuân theo hàm số cosine. Ở đây chúng ta phân tính cả hai tình huống đối với hướng của dòng chảy vuông góc và song song với cấu trúc gồ ghề. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta sử dụng một phương pháp bán giải tích trên cơ sở khai triển chuỗi Fourier của trường vận tốc và áp suất. Kết quả thu được bằng phương pháp này được so sánh với phương pháp phần tử hữu hạn và một số kết quả nghiên cứu đã công bố trên thế giới.

Nghiên cứu thực nghiệm ứng xử dưới tải trọng nén của kết cấu tường bê tông đất

Trang: 289-298 Bùi Thị Loan, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Minh Cường, Bùi Tấn Trung
Tóm tắt

Việc nghiên cứu ứng xử của các kết cấu xây dựng sử dụng vật liệu mới, thân thiện với môi trường là phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Bài báo này tập trung nghiên cứu ứng xử dưới tác dụng của tải trọng nén trong mặt phẳng của kết cấu tường “bê tông đất” – loại vật liệu mới có ưu điểm thân thiện với môi trường. “Bê tông đất” này là một loại là loại bê tông mới có thành phần chính gồm cốt liệu “đất thô”, nước, phụ gia và một lượng nhỏ xi măng Porland (khoảng 4-5%) để “ổn định” đất. Nghiên cứu này được thực hiện bằng phương pháp thực nghiệm từ cấp độ vật liệu đã xác định được một số đặc trưng cơ học của loại vật liệu mới này (cường độ chịu kéo, nén, mô đun đàn hồi); sau đó trên cấp độ kết cấu đã nghiên cứu ứng xử của kết cấu tường bê tông đất dưới tác dụng của tải trọng nén tập trung. Kết quả cho thấy rằng, dưới tác dụng của tải trọng này, ứng xử tổng thể của kết cấu tường bê tông đất được đặc trưng bởi đường cong phi tuyến ba pha trong đó pha đàn hồi đầu tiên kéo dài tới cấp tải trọng tương đối lớn (ứng với 80% tải trọng lớn nhất). Dạng phá hủy của tường được đặc trưng bởi các vết nứt dọc ở tâm tường trong vùng chịu nén và sự phá hủy cuối cùng của tường được ghi nhận ở thời điểm xuất hiện các vết nứt do sự nở hông dưới tải trọng nén.

Thiết kế độ bền của kết cấu bê tông ở vùng khí quyển biển dựa trên xác suất

Trang: 299-308 Hồ Văn Quân
Tóm tắt

Hầu hết các mô hình tính toán tuổi thọ sử dụng của KCBT hiện tại do xâm nhập clorua được tính theo phương pháp xác định, tức là tuổi thọ sử dụng của KCBT được xác định là một giá trị duy nhất dẫn đến biên độ sai số lớn. Thiết kế độ bền của KCBT dựa trên phương pháp xác suất có thể xác định chính xác phạm vi xác suất sự cố do tính đến độ phân tán của các tham số trong mô hình. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là trình bày thiết kế độ bền của KCBT ở vùng khí quyển biển do xâm nhập clorua theo phương pháp xác xuất dựa trên mô phỏng Monte Carlo. Đồng thời, đánh giá ảnh hưởng của một số tham số đến xác suất sự cố ăn mòn cốt thép. Kết quả nghiên cứu cho thấy tham số chiều dày lớp bê tông bảo vệ x ảnh hưởng lớn nhất đến tuổi thọ sử dụng của KCBT, theo sau là hệ số tuổi m, nồng độ clorua tới hạn Ccr, nồng độ clorua bề mặt và hệ số khuếch tán D0.

Cơ sở xác định số lượng đầu máy bảo dưỡng sửa chữa trong ngành đường sắt

Trang: 309-319 Đỗ Đức Tuấn, Vũ Văn Hiệp
Tóm tắt

Nhu cầu sức kéo đầu máy trong ngành đường sắt cho một giai đoạn nào đó được xác định theo khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tổng nhu cầu sức kéo bao gồm số lượng đầu máy vận dụng và số lượng đầu máy nằm ở các cấp bảo dưỡng, sửa chữa. Số lượng đầu máy vận dụng bao gồm đầu máy kéo tàu khách và tàu hàng trên chính tuyến, đầu máy làm nhiệm vụ vận chuyển nhỏ (vận chuyển nội bộ) và đầu máy dồn. Số lượng đầu máy sửa chữa là số lượng đầu máy vận dụng làm các nhiệm vụ nói trên nằm ở các cấp bảo dưỡng, sửa chữa. Bài báo này trình bày cơ sở xác định số lượng đầu máy ở các cấp bảo dưỡng, sửa chữa.

Xác định tham số dao động của dầm bằng phương pháp Rayleigh

Trang: 320-329 Nguyễn Hữu Hưng, Đàm Minh Hùng
Tóm tắt

Công tác kiểm định, thử tải cầu hiện nay chủ yếu thu được kết quả tần số dao động riêng, độ võng và biến dạng của kết cấu cầu. Kết quả này dùng để đánh giá ngay hiện trạng của kết cấu cầu hoặc được lưu trữ để đánh giá tình trạng cầu sau này. Trong ba kết quả trên chỉ có tần số dao động riêng của kết cấu là thông số không phụ thuộc vào tải trọng bên ngoài cho nên thuận tiện trong việc đánh giá tình trạng của kết cấu. Tần số dao động riêng được cấu thành từ hai tham số chính đó là độ cứng của kết cấu dao động ở tần số đó và khối lượng tham gia vào tần số đó. Để hiểu rõ hơn về sự làm việc của kết cấu bài báo đi tiến hành xác định độ cứng thực tế của kết cấu, phần khối lượng tham gia khi kết cấu dao động với tần số đó và hàm dạng mode tương ứng với dao động này. Bài báo sử dụng phương pháp Rayleigh tiến hành phân tích với trường hợp dầm giản đơn, kết quả khối lượng và độ cứng tham gia dao động thu được bằng phương pháp đề xuất được so sánh với giả thiết ban đầu và cho kết quả có độ tin cậy cao.

Mô hình hóa dự báo ảnh hưởng của hàm lượng sợi đến mô đun đàn hồi của bê tông cốt sợi thuỷ tinh

Trang: 330-339 Nguyễn Đình Hải, Trần Anh Tuấn
Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này trước tiên nhằm xác định mô đun đàn hồi có hiệu của bê tông gia cường cốt sợi thuỷ tinh (GFRC), sau đó phân tích ảnh hưởng của hàm lượng cốt sợi thuỷ tinh đến mô đun đàn hồi có hiệu của GFRC. Để đạt được các mục đích nêu trên mô hình Bão hoà sẽ được áp dụng để đồng nhất hoá GFRC. Trong nghiên cứu này các pha cấu thành của bê tông được coi là đàn hồi tuyến tính và đẳng hướng. Kết quả thu được bằng mô hình Bão hoà sẽ được so sánh với các biên Voigt, Reuss và các kết quả thí nghiệm đã thực hiện.

Cơ sở xác định nhu cầu sức kéo đầu máy vận dụng trong ngành đường sắt

Trang: 340-351 Đỗ Đức Tuấn, Vũ Văn Hiệp
Tóm tắt

Nhu cầu sức kéo đầu máy trong ngành đường sắt cho một giai đoạn nào đó được xác định theo khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tổng nhu cầu sức kéo bao gồm số lượng đầu máy vận dụng và số lượng đầu máy nằm ở các cấp bảo dưỡng, sửa chữa. Số lượng đầu máy vận dụng bao gồm đầu máy kéo tàu khách và tàu hàng trên chính tuyến, đầu máy làm nhiệm vụ vận chuyển nhỏ (vận chuyển nội bộ) và đầu máy dồn. Số lượng đầu máy sửa chữa là số lượng đầu máy vận dụng làm các nhiệm vụ nói trên nằm ở các cấp bảo dưỡng, sửa chữa. Bài báo này trình bày cơ sở xác định nhu cầu đầu máy vận dụng trong ngành đường sắt.

Đo đạc và phân tích chỉ số độ gồ ghề quốc tế iri của mặt đường bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh

Trang: 352-363 Hoàng Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Quang Tuấn
Tóm tắt

Bài báo nghiên cứu việc đo đạc chỉ số độ gồ ghề quốc tế IRI của mặt đường bằng ứng dụng RoadLabPro cài đặt trên điện thoại thông minh. Các tính năng của ứng dụng và phương pháp đo đã được giới thiệu trong nghiên cứu. Để kiểm chứng độ chính xác của phương pháp đo, giá trị chỉ số IRI đo bằng phần mềm RoadLabPro đã được so sánh với giá trị IRI đo bằng phương pháp đo trực tiếp trên một số đoạn tuyến thuộc Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ngoài ra, các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số IRI đo bằng điện thoại thông minh đã được đánh giá và phân tích bao gồm : tốc độ chạy xe, vị trí lắp đặt điện thoại, độ chính xác giữa các lần đo khác nhau… Kết quả phân tích cho thấy vận tốc xe chạy có ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả đo giá trị IRI.