Mục lục

Xây dựng chương trình xử lý số liệu thử nghiệm xác định đường cong mỏi của vật liệu kim loại

Trang: 364-376 Nguyễn Đức Toàn, Đỗ Đức Tuấn
Tóm tắt

Quá trình thử nghiệm mỏi nói chung đối với vật liệu kim loại bao gồm các bước: chế tạo mẫu vật liệu theo tiêu chuẩn hiện hành, thử nghiệm mỏi mẫu vật liệu trên thiết bị chuyên dùng ở các mức tải trọng khác nhau theo quy trình và chương trình tương ứng đã được xác được thiết lập, và xử lý số liệu thử nghiệm nhằm định họ đường cong mỏi và các đặc trưng mỏi. Các đường cong mỏi thực chất là mối quan hệ giữa hai đại lượng ngẫu nhiên: biên độ ứng suất mỏi và số chu trình phá hủy mỏi. Các mối quan hệ này được thể hiện dưới các dạng hàm tuyến tính, phi tuyến, các hàm của Weibull và Stussi. Từ các thuật toán về mối quan hệ giữa hai đại lượng ngẫu nhiên, bài báo trình bày quá trình xây dựng chương trình xử lý số liệu thử nghiệm mỏi, xác định họ đường cong mỏi của vật liệu kim loại được thử nghiệm, từ đó lựa chọn các đường cong mỏi phù hợp để sử dụng cho các bài toán đánh giá độ bền mỏi hoặc tuổi thọ mỏi của chi tiết và kết cấu cơ khí.

Nghiên cứu đánh giá an toàn đoàn tàu đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông khi thông qua bán kính đường cong nhỏ nhất

Trang: 377-385 Mai Văn Thắm, Tào Văn Chiến
Tóm tắt

An toàn cho đoàn tàu khi thông qua đường cong có bán kính nhỏ nhất là một trong vấn đề quan trong khi vận hành đoàn tàu. Bài báo đã sử dụng phần mềm Simpack để xây dựng mô hình 3D nghiên cứu động lực học và các chỉ tiêu đánh giá an toàn của đoàn tàu đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông. Kết quả cho thấy trong hai trường hợp nền đường sắt phẳng thuận và kết cấu đường sắt sử dụng cấu kiện DTVII2 đều cho hệ số chống trật bánh lớn nhất nhỏ hơn 0,8 và hệ số ổn định chống lật nhỏ hơn 0,7. Kết quả này là các tiêu chí chính đảm bảo sự an toàn vận hành đoàn tàu khi thông qua bán kính đường cong nhỏ nhất R=300m của tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Mô phỏng số đánh giá ảnh hưởng của xoắn đến khoá chống cắt trong cầu dầm lắp ghép phân đoạn

Trang: 386-396 Nguyễn Đắc Đức, Nguyễn Ngọc Long, Trần Đức Nhiệm
Tóm tắt

Vị trí mối nối trong cầu dầm lắp ghép phân đoạn ngoài nhiệm vụ nối ghép các đốt dầm thành kết cấu hoàn chỉnh thì phải đảm bảo truyền lực giữa các đốt dầm như lực dọc, mô men uốn, mô men xoắn, lực cắt...Đặc trưng của dầm lắp ghép phân đoạn sử dụng mối nối khô là tại vị trí mối nối không có cốt thép thường do đó cốt thép dự ứng lực đóng vai trò chịu mô men uốn, đối với lực cắt sẽ sinh ra ứng suất tiếp tại vị trí mối nối, ứng suất tiếp này sẽ do khoá chống cắt và ma sát tiếp xúc của bề mặt bê tông tại vị trí mối nối đảm nhiệm. Khi tải trọng đặt lệch tâm hay có tác động gây ra mô men xoắn tại vị trí mối nối, mô men xoắn này sẽ sinh ra ứng suất tiếp phụ thêm, do đó việc đánh giá ảnh hưởng của mô men xoắn đến khả năng chịu lực của mối nối nói chung và khoá chống cắt nói riêng là cần thiết nhằm đảm bảo việc thiết kế mối nối là an toàn. Bài báo đánh giá ảnh hưởng của mô men xoắn đến ứng suất tại khóa chống cắt của mối nối thông qua tính toán mô phỏng nhằm giúp cho việc tính toán khả năng chịu lực của khóa chống cắt an toàn, phù hợp với điều kiện làm việc của mối nối.

Nghiên cứu lắp giảm chấn hộp trục cho giá chuyển lò xo không khí không xà nhún

Trang: 397-406 Nguyễn Trung Hiếu, Kiều Công Thành
Tóm tắt

Giá chuyển hướng lò xo không khí không xà nhún có giảm chấn thủy lực tích hợp ở giữa lò xo thép đang sử dụng hiện nay trên đường sắt Việt Nam không đảm bảo được tính năng hoạt động của toa xe, từ đó ảnh hướng đến các chỉ tiêu động lực học. Bài báo phân tích đặc điểm kết cấu hộp trục sử dụng lò xo thép của giá chuyển hướng lò xo không khí không xà nhún. Tính toán so sánh chỉ tiêu êm dịu giữa hộp trục có lắp thêm giảm chấn và hộp trục không có giảm chấn và đề ra phương án cải tạo hộp trục lắp thêm giảm chấn thẳng đứng cho giá chuyển lò xo không khí không xà nhún, để tăng tính năng động lực học đáp ứng yêu cầu vận hành với tốc độ thiết kế 120 km/h.

Nghiên cứu ứng xử ống tròn có gân dọc chịu nén dọc trục

Trang: 407-417 Nhan T. Tran, Arameh Eyvazian, DucHieu Le
Tóm tắt

Bài báo này nghiên cứu ứng xử và tính năng tin cậy chịu nén của các ống nhôm tròn có và không có gân dọc. Các gân dọc càng nhiều thì năng lượng riêng hấp thụ càng lớn. Lực nén lớn nhất (peak load) của ống có các gân lớn hơn so với ống không có gân dọc. Phương pháp TOPSIS được áp dụng để chỉ ra cấu trúc thích hợp dành cho thiết bị hấp thụ năng lượng va đập của xe hơi.

nghiên cứu thực nghiệm xác định ứng xử chịu cắt của nút khung liên hợp chịu tải trọng tĩnh

Trang: 418-427 Lê Đăng Dũng, Nguyễn Thành Tâm, Đặng Việt Tuấn
Tóm tắt

Bài báo phân tích ứng xử chịu cắt của nút khung liên hợp giữa dầm thép với cột bê tông cốt thép (BTCT) chịu đồng thời lực nén dọc trục cột và tải trọng tĩnh tác dụng ở dầm. Dầm thép được liên kết với cột BTCT bằng thanh thép hình đặt trong cột. Các tấm thép được sử dụng ở vùng nút để tăng cường khả năng chịu cắt cho nút. Kết quả thí nghiệm so sánh trên các mẫu có sử dụng và không sử dụng thép tấm. Hình dạng cốt đai vòng kín và cốt đai hở chịu cắt ở vùng nút cũng được xem xét đến trong nghiên cứu.

Nghiên cứu chế tạo phần mềm lựa chọn tổ hợp đà giáo ván khuôn trong thi công sàn bê tông cốt thép toàn khối

Trang: 428-439 Từ Sỹ Quân
Tóm tắt

Thi công sàn bê tông toàn khối bằng tổ hợp đà giáo ván khuôn là công nghệ xây dựng hiện đại, được áp dụng ngày càng phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Công tác lắp đặt thiết bị phải tuân thủ những chỉ dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất đề ra. Song, lựa chọn được giải pháp thi công hợp lý đôi khi gặp nhiều khó khăn, do phụ thuộc vào các yếu tố đặc thù như: đặc điểm hình học của ô sàn, thói quen thi công, số lượng dầm và cột chống sẵn có dưới bãi tập kết, năng lực tài chính của nhà đầu tư, yêu cầu về chất lượng và tiến độ…Xét trên phương diện kỹ thuật và tài chính, việc phát triển một phần mềm ứng dụng cho phép phân tích tự động và lựa chọn các giải pháp thi công là hết sức cần thiết. Phần mềm giới thiệu trong bài báo này được phát triển trên nền tảng web động, là sự kết hợp của nhiều ngôn ngữ như PHP, CSS, SQL, Javascript, đã loại bỏ được những sai sót chủ quan trong khâu tra bảng, nhập dữ liệu và tính toán thủ công. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ hữu ích nhằm nâng cao năng xuất lao động với nhà thầu trực tiếp thi công mà còn giúp cho các hãng sản xuất và cung ứng thiết bị cải tiến quy trình và cách thức lắp đặt thiết bị.

Ứng xử của cầu dầm hộp liên tục lắp ghép phân đoạn dưới tác dụng của tải trọng lệch tâm

Trang: 440-450 Nguyễn Đắc Đức, Nguyễn Ngọc Long, Trần Đức Nhiệm, Đỗ Anh Tú, Lê Bá Anh
Tóm tắt

Mối nối trong cầu dầm lắp ghép phân đoạn ngoài nhiệm vụ nối ghép các đốt dầm thành kết cấu hoàn chỉnh thì phải đảm bảo truyền lực giữa các đốt dầm như lực dọc, mô men uốn, mô men xoắn, lực cắt...Đặc trưng của dầm lắp ghép phân đoạn sử dụng mối nối khô là tại vị trí mối nối không có cốt thép thường, do đó cốt thép dự ứng lực đóng vai trò chịu mô men uốn, lực cắt sinh ra ứng suất tiếp tại vị trí mối nối sẽ do khoá chống cắt và ma sát tiếp xúc của bề mặt bê tông đảm nhiệm. Khi tải trọng đặt lệch tâm hay có tác động gây ra mô men xoắn tại vị trí mối nối, mô men xoắn này sẽ sinh ra ứng suất tiếp phụ thêm. Việc đánh giá ảnh hưởng của mô men xoắn đến khả năng chịu lực của mối nối nói chung và khoá chống cắt nói riêng là cần thiết, nhằm đảm bảo việc thiết kế mối nối là an toàn. Bài báo nghiên cứu úng xử của cầu dầm hộp liên tục lắp ghép phân đoạn dưới tác dụng của tải trong lệch tâm thông qua phương pháp mô phỏng số nhằm giúp việc tính toán mối nối và kết cấu hoàn thiện hơn.

Tính chất đàn hồi hiệu quả của vật liệu xếp lớp với mặt phân giới hoàn hảo

Trang: 451-459 Nguyễn Đình Hải, Trần Anh Tuấn
Tóm tắt

Nghiên cứu này tập trung thực hiện các phép toán nhằm để xác định tensor hệ số đàn hồi hiệu quả của vật tổng hợp xếp lớp với liên kết giữa các lớp là trơn và hoàn hảo. Với giả thuyết liên kết giữa các lớp hoàn hảo cho thấy vector chuyển vị và thành phần pháp tuyến của tensor ứng suất là liên tục khi đi qua mặt phân giới giữa các lớp. Để xác định được tensor hệ số đàn hồi hiệu quả của loại composite này phương pháp đồng nhất hoá vật liệu đa lớp sẽ được áp dụng. Phương pháp này dựa trên kỹ thuật nghịch đảo và đảo ngược từng phần luật ứng xử của vật liệu, nó cho phép xác định tensor hệ số đàn hồi hiệu quả của vật liệu tổng hợp. Nghiệm giải tích của bài toán sẽ được kiểm chứng với các giới hạn Voigt và Reuss.

Thiết bị đeo cảnh báo lái xe buồn ngủ ứng dụng trong an toàn giao thông đường bộ

Trang: 460-469 Đào Thanh Toản
Tóm tắt

Giám sát, cảnh báo tình trạng ngủ gật của lái xe là hết sức cần thiết trong giảm tai nạn giao thông đường bộ. Trong bài báo này, tác giả trình bày nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm thiết bị đeo nhằm phát hiện và cảnh báo tình trạng buồn ngủ của lái xe. Bộ lọc tích cực, mạch xử lý tín hiệu, thuật toán cho bộ vi điều khiển được tích hợp trên thiết bị đeo nhằm tính toán nhịp tim từ tín hiệu điện tim ECG đo trên cổ tay của lái xe. Thử nghiệm tại phòng thí nghiệm cho thấy, thiết bị có độ chính xác tương đồng với thiết bị đo nhịp tim Xiaomi miband 3 trên thị trường. Tình trạng buồn ngủ sẽ được phát hiện trên cơ sở xác định nhịp tim của lái xe khi nhỏ hơn mức ngưỡng. Kết quả thử nghiệm trên đường thực tế cho thấy thiết bị đeo có khả năng phát hiện và cảnh báo qua âm thanh khi phát hiện lái xe ngủ gật.