Phương hướng bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam
Trang: 451-460 Trần Thị Tú Anh, Phạm Thanh TuấnTóm tắtBảo vệ môi trường là hoạt động không thể tách rời trong kinh doanh khai thác cảng biển do đây là đầu mối quan trọng trong hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước. Đi đôi với sự phát triển của ngành kinh tế biển thì các rủi ro, nguy cơ về ô nhiễm môi trường càng lớn. Gần đây Việt Nam đã tham gia rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do và Công ước quốc tế nên trách nhiệm bảo vệ môi trường thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng, dư luận. Tuy có nhiều doanh nghiệp cảng biển rất nỗ lực và tiên phong đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường thì cũng không ít các doanh nghiệp cảng biển vẫn chưa quan tâm đúng mực đến trách nhiệm đối với cộng đồng. Hệ quả là môi trường chung bị suy thoái, tổn thất và cần rất nhiều thời gian, nỗ lực để khắc phục. Nhằm định hướng các hoạt động bảo vệ môi trường trong khai thác cảng biển và đạt được mục tiêu phát triển bền vững, việc đề ra phương hướng chung có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Nghiên cứu tính toán chi phí biên giảm phát thải khí nhà kính của hệ thống máy lạnh
Trang: 461-469 Phạm Văn Khá, Trần Thị Thu HàTóm tắtHệ thống nhiệt lạnh có khả năng gây phát thải rất lớn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về chi phí biên giảm phát thải khí nhà kính trong hệ thống nhiệt lạnh đến nay còn hạn chế. Bài báo đã trình bày cách tính toán chi phí biên giảm phát thải khí nhà kính khi sử dụng máy lạnh hấp thụ thay thế cho máy lạnh nén hơi trong điều kiện ở Việt Nam. Cụ thể, bài báo đã tính toán cho một máy lạnh nén hơi công suất 3,5kW, môi chất lạnh là R410A và một máy làm lạnh hấp thụ với công suất 3,5 kW cặp môi chất H2O/LiBr sử dụng năng lượng mặt trời. Kết quả tính toán cho thấy chi phí vòng đời của máy lạnh hấp thụ bằng 44.309.736 VNĐ cao hơn rất nhiều so với máy lạnh nén hơi là 19.878.028 VNĐ. Tuy nhiên, lượng phát thải khí CO2 trung bình từ máy lạnh hấp thụ thấp hơn 75,16% so với máy lạnh nén hơi. Từ đó, tính toán được chi phí biên giảm phát thải CO2 là 203,94 VNĐ/kg CO2. Vì vậy, phương án sử dụng máy lạnh hấp thụ có tiềm năng góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong hệ thống lạnh
Trang: 470-485 Đoàn Hồng Đức, Đỗ Văn Thơm, Phạm Minh PhúcTóm tắtViệc tính toán ổn định của tấm nano có vết nứt đã nhận được rất nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây, đặc biệt là xét đến tấm có chiều dày biến đổi và hiệu ứng flexo. Công thức phần tử hữu hạn được thiết lập dựa vào lý thuyết biến dạng cắt bậc nhất của Mindlin, vết nứt được mô phỏng dựa trên lý thuyết phase-field thông qua tham số phase-field, đây là cách tiếp cận kết cấu có vết nứt rất linh hoạt và có nhiều ưu điểm so với các phương pháp khác. Độ tin cậy của lý thuyết tính toán được kiểm chứng thông qua các so sánh với các kết quả đã công bố. Trên cơ sở đó, bài báo tiến hành khảo sát ảnh hưởng của một vài tham số vật liệu, hình học đến đáp ứng ổn định của tấm, trong đó chiều dày của tấm biến đổi theo cả quy luật tuyến tính và phi tuyến, đây là các kết quả nghiên cứu thú vị, thể hiện rõ sự ảnh hưởng đồng thời của hiệu ứng flexo, quy luật biến đổi của chiều dày tấm đến tải tới hạn mất ổn định của tấm nano cũng như các dạng mất ổn định của tấm nano. Kết quả số chỉ ra rằng, khi tấm nano xuất hiện vết nứt thì nó nhanh bị mất ổn định hơn, ngược lại khi tăng hệ số flexo thì tấm cứng hơn và chịu lực tốt hơn. Nghiên cứu này tạo cơ sở khoa học giúp các nhà thiết kế, chế tạo tấm nano đưa ra các khuyến cáo sử dụng khi tấm xuất hiện các vết nứt
Trang: 486-501 Nguyễn Thị Thanh HươngTóm tắtVào mùa mưa ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), đường thường xuyên bị ngập, gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải và kinh tế xã hội. Cơ quan quản lý thường bị động trong việc xử lý sự cố xảy ra do mưa và ngập. Bài báo giới thiệu một nghiên cứu về các giải pháp quản lý giao thông ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi như mưa, bão gây ngập đường, mất an toàn và ùn tắc giao thông. Mục tiêu là đề xuất được giải pháp khả thi, chủ động, thông minh nhờ việc nắm bắt được xu hướng hành vi tham gia giao thông và ứng dụng giao thông thông minh (ITS). Nghiên cứu được tiếp cận từ việc phân tích hiện trạng công tác quản lý, tổ chức và điều khiển giao thông ứng phó với mưa và ngập đường tại Quận 9, TP Thủ Đức, TPHCM. Sau đó, tổng hợp giải pháp kinh nghiệm Việt Nam và nước ngoài, phân tích sự thay đổi trong dòng giao thông và hành vi tham gia giao thông. Nghiên cứu đã đề xuất được bộ giải pháp tiềm năng có thể áp dụng trên địa bàn Quận 9. Sau đó sử dụng phần mềm mô phỏng VISUM để lượng hoá tác động của 2 nhóm giải pháp là Thông tin và cảnh báo, và Kiểm soát phương tiện. Kết quả đánh giá cho thấy, các giải pháp giúp tăng vận tốc lưu thông và giảm thời gian đi lại.
Một vài ứng dụng của toán tử giả vi phân giải tích
Trang: 502-513 Nguyễn Sỹ Anh TuấnTóm tắtLý thuyết toán tử giả vi phân giải tích là một phần mở rộng của toán tử vi phân, là một công cụ mạnh để nghiên cứu ứng dụng của Giải tích Fourier vào phương trình đạo hàm riêng. Bài báo này nghiên cứu một vài ứng dụng sâu sắc của toán tử giả vi phân giải tích đã và đang được một số nhà toán học quan tâm. Không gian các hàm nguyên exponent type bé hơn R và đại số các toán tử giả vi phân giải tích trên không gian này được đưa vào ở Phần 2 của bài báo. Tiêu chuẩn để nhận biết một hàm thuộc không gian các hàm nguyên exponent type bé hơn R được phát biểu và chứng minh ở Mệnh đề 2.1. Ở Phần 3 của bài báo trình bày một ứng dụng của toán tử giả vi phân giải tích với ký hiệu là hàm sinh exponent của dãy số Bernoulli mở rộng để nghiên cứu nghiệm của phương trình sai phân (5) được đưa vào ở Phần 3. Toán tử tích chập là một toán tử giả vi phân giải tích được sử dụng một cách khéo léo vào bài toán biến đổi Laplace ngược trên không gian Hilbert tách được được đưa vào ở phần cuối của bài báo.
Mô phỏng kéo màng vật liệu hai chiều đa nguyên tử cấu trúc nếp gấp
Trang: 514-526 Lê Minh Quý, Nguyễn Hữu Tú, Đỗ Thị Kim Liên, Nguyễn Văn TrangTóm tắtVật liệu hai chiều có nhiều tính chất đặc biệt như dẫn nhiệt, dẫn điện tốt, nên được ứng dụng trong các lĩnh vực như: y tế, năng lượng, điện tử... Bài báo nghiên cứu cơ tính của 6 vật liệu hai chiều cấu trúc nếp gấp bao gồm: p-SiS, p-SiSe, p-GeS, p-GeSe, p-CSe, và p-CTe. Phương pháp phần tử hữu hạn nguyên tử với hàm thế Stillinger-Webber được sử dụng để mô phỏng tương tác giữa các nguyên tử trong quá trình kéo các màng của 6 vật liệu nêu trên. Kết quả xác định được: mô đun đàn hồi hai chiều của nhóm vật liệu này trong khoảng từ 10,6 đến 89,1 N/m; hệ số Possion trong khoảng từ -0,11 đến 0,42; ứng suất hai chiều lớn nhất trong khoảng từ 2,3 đến 9,4 N/m và biến dạng kéo đứt từ 20% đến 43%. Kết quả cho thấy các vật liệu này có tính dị hướng cao, đồng thời là cơ sở để ứng dụng chúng trong thực tế.
Trang: 526-539 Ngô Thế Anh, Trần Huỳnh Minh Tân, Phạm Huyền Trang, Lê Ngọc ThạchTóm tắtThông thường, các trạm chuyển tiếp RS (Relay Station) được sử dụng trong các hệ thống 4G LTE với mục đích mở rộng vùng phục vụ hoặc cải thiện chất lượng phủ sóng cho một vùng của một trạm gốc BS (Base Station) nào đó thông qua việc chuyển tiếp các thông tin giữa trạm gốc BS tới một người sử dụng di động MU (Mobile User) cụ thể. Điều này làm cho việc sử dụng tài nguyên tần số vô tuyến được cấp phát cho các BS chưa thực sự tối ưu. Ngoài ra, việc duy trì kết nối cho các cuộc gọi chuyển giao trong các hệ thống thông tin di động vẫn luôn là một thách thức với cả các nhà nghiên cứu và các nhà cung cấp dịch vụ di động. Việc sử dụng các RS để nâng cao tỉ lệ thành công cho các cuộc gọi chuyển giao cũng như tận dụng hiệu quả tài nguyên tần số là một đề tài hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu. Trong bài báo này, các RS được sử dụng không những để mở rộng vùng phủ của các BS mà còn giúp cho BS khai thác tối đa dung lượng cho các cuộc gọi mới mà vẫn đáp ứng được yêu cầu phục vụ của các cuộc gọi chuyển giao, kể cả với các MU sử dụng dịch vụ dữ liệu (data) thời gian thực. Hơn nữa, việc sử dụng các RS đã giúp cho các nhà khai thác mạng có thêm một góc nhìn về việc cấp phát dung lượng hợp lý cho các BS nhằm tối ưu hóa bài toán sử dụng tần số trong hệ thống. Các kết quả mô phỏng chỉ ra rằng khi các BS được cấp 30 kênh tần số, việc sử dụng RS cho phép bảo đảm xác suất chuyển giao thành công trên 99,9%.
Trang: 540-551 Khương Thị HàTóm tắtĐộng cơ hoạt động theo nguyên lý cháy do nén hỗn hợp đồng nhất đang nhận được rất nhiều sự quan tâm do có ưu điểm lớn là giảm được phần lớn phát thải PM và NOx trong khi các thông số có ích và chỉ thị vẫn tương đương động cơ nguyên bản, do đó nghiên cứu chuyển đổi động cơ diesel truyền thống sang hoạt động theo nguyên lý HCCI là rất cần thiết. Trong nghiên cứu này trình bày kết quả ảnh hưởng của tỷ số nén tới đặc tính cháy của động cơ HCCI trên phần mềm mô phỏng AVL – BOOST. Động cơ được sử dụng cho nghiên cứu là động cơ một xylanh Kubota BD178F(E) với đường nạp đã được cải tiến. Các chế độ làm việc của động cơ mô phỏng là: Tốc độ từ 1200 vg/ph đến 3200 vg/ph; Các chế độ tải: 10%, 20%, 30% và 50%; Tỷ số nén giảm từ 20 xuống 18,1; 17; 15,4 và 13,5. Kết quả mô phỏng cho thấy: Giảm tỷ số nén động cơ vẫn làm việc theo nguyên lý HCCI, thời điểm bắt đầu cháy muộn dần, không nên giảm tỷ số nén nhỏ hơn 13,5
Đánh giá các đặc trưng sóng vùng ven biển Việt Nam sử dụng dữ liệu mô hình ERA -Interim
Trang: 552-573 Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Viết Thanh, Bạch Dương, Vũ Quốc HưngTóm tắtCác thông số chiều cao, chu kỳ và hướng sóng là các yếu tố rất cần thiết trong thiết kế các công trình biển, tuy nhiên không phải vùng biển nào cũng có đầy đủ các thông số trên. Đặc biệt ven biển nước ta chưa không có trạm quan trắc dài kỳ nào để có thể thu được bộ thông số trên. Mặt khác, hầu hết sóng thiết kế được tính toán dựa vào các phương pháp được chỉ dẫn trong các tiêu chuẩn kỹ thuật. Để thuận lợi cho việc ứng dụng bài báo này sử dụng các số liệu sóng từ mô hình tái phân tích khí quyển toàn cầu ERA-Interim được phát triển bởi Trung tâm dự báo thời tiết hạn vừa Châu Âu (ECMWF). Trong mô hình ERA-Interim, trường sóng trên Biển Đông được mô phỏng và tái phân tích, do đó cần phải nghiên cứu các đặc trưng sóng dọc bờ biển Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa các đặc trưng đó dựa trên dữ liệu sóng được trích xuất theo chuỗi thời gian 41 năm từ năm 1979 đến 2014. Dựa trên có sở dữ liệu về sóng, các tác giả đã tiến hành tính toán, lập bảng biểu thống kê và thiết lập mối quan hệ giữa các đặc trưng sóng cho 6 vùng ven ven biển điển hình của nước ta
Trang: 574-587 Lã Văn Chăm, Lương Xuân Chiểu, Nguyễn Chí Công, Nguyễn Trịnh Trọng PhụngTóm tắtKhi cải tạo, nâng cấp, tăng cường bề mặt cầu bê tông cốt thép tư vấn thiết kế thường lựa chọn lớp phủ bằng bê tông nhựa. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của kết cấu hỗn hợp với lớp trên là bê tông nhựa, lớp dưới là bê tông xi măng như chất lượng lớp bê tông nhựa (BTN), cường độ dính bám giữa lớp trên và lớp dưới. Cường độ dính bám giữa hai lớp phụ thuộc vào đặc trưng bề mặt lớp bê tông mặt cầu, loại và tỷ lệ vật liệu tưới dính bám. Bài báo trình bày kết quả thực nghiệm đánh giá cường độ dính bám giữa lớp BTN với lớp bê tông mặt cầu tính năng siêu cao (UHPC) sử dụng mô hình thí nghiệm cắt phẳng và nhổ bật. Có ba loại vật liệu dính bám là nhũ tương nhựa đường Novabond, nhũ tương Polymer CRS-1P và keo dính bám Hyper Primer được lựa chọn để nghiên cứu. Kết quả thực nghiệm cho phép chọn loại và tỷ lệ chất dính bám phù hợp cho kết cấu tổ hợp này
Nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ đến biến dạng tổng thể và lực căng dây văng của cầu Trần Thị Lý
Trang: 588-603 Đỗ Anh Vũ, Võ Duy Hùng, Lê Văn HiếnTóm tắtẢnh hưởng của nhiệt độ đến các ứng xử của cầu dây văng được nhiều nghiên cứu quan tâm trong thời gian gần đây. Việc đánh giá tác động của nhiệt độ lên ứng xử công trình cầu dây văng là hết sức cần thiết để có các biện pháp duy tu bão dưỡng kịp thời. Do đó, bài báo tiến hành phân tích ảnh hưởng của ảnh hưởng của nhiệt độ đến biến dạng tổng thể của kết cấu nhịp và tháp cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) bằng phần mềm phần tử hữu hạn (PTHH). Đồng thời ảnh hưởng của nhiệt độ đến biến thiên lực căng dây văng cũng được làm rõ. Đầu tiên, cầu dây văng Trần Thị Lý sẽ được mô hình hóa bằng phần mềm phần tử hữu hạn và mô hình tính toán sẽ được so sánh với kết quả đo đạc thực nghiệm để xác thực mô hình. Tải trọng nhiệt độ tính toán được lấy theo TCVN 11823-2017 với hai loại chính đó là nhiệt độ phân bố đều và gradient nhiệt độ. Kết quả phân tích cho thấy nhiệt độ ảnh hưởng khá lớn đến biến dạng tổng thể của cầu. Chuyển vị theo phương dọc cầu của tháp cầu là khá lớn. Đối với kết cấu nhịp thì chuyển vị theo phương đứng là tương đối lớn. Ngoài ra, chênh lệch của nhiệt độ có thể gây ra thay đổi lực căng trong dây văng. Đối với các dây văng ở nhịp biên thì nhiệt độ làm giảm lực căng trong dây, trong khi đó đối với nhịp chính thì sự thay đổi lực căng có sự khác nhau, tùy theo biến dạng của tổng thể cầu và vị trí dây văng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tải trọng nhiệt độ có ảnh hưởng tương đối lớn lên biến dạng và biến thiên lực căng dây cầu Trần Thị Lý, cần có những lưu ý trong quá trình bão dưỡng và khai thác cầu đặc biệt trong những điều kiện nắng nóng