Mục lục

Ứng dụng mô hình “nứt theo tổng biến dạng” phân tích ứng xử phi tuyến của bản bê tông cốt thép chịu lực nén xiên

Trang: 56-69 Bùi Ngọc Tình, Nguyễn Ngọc Long, Nguyễn Viết Trung, Ngô Văn Minh
Tóm tắt

Bài báo giới thiệu mô hình phân tích nứt theo tổng biến dạng và tiến hành áp dụng mô hình này để phân tích ứng xử đến phá hoại của bản BTCT chịu nén xiên. Kết quả mô hình hóa được so sánh với kết quả thí nghiệm từ 09 mẫu thí nghiệm với 03 góc nghiêng khác nhau của lực nén được thực hiện ở trường Đại học Giao thông vận tải để chứng minh khả năng sử dụng mô hình này trong việc phân tích, tích toán dạng kết cấu chịu lực này. Kết quả so sánh cho thấy sự phù hợp giữa kết quả phân tích và kết quả thí nghiệm, và do đó khẳng định khả năng sử dụng mô hình phân tích nứt theo tổng biến dạng trong tính toan và thiết kế các kết cấu bản BTCT chịu lực nén xiên.

Khảo sát độ chính xác bố trí tim tuyến đường bẳng công nghệ trạm tham chiếu hoạt động liên tục

Trang: 70-79 Lê Minh Ngọc, Lê Văn Hiến, Trần Đức Công
Tóm tắt

Trạm tham chiếu hoạt động liên tục (CORS) xây dựng trên cơ sở hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu GNSS đã và đang được nghiên cứu khả năng đảm bảo độ chính xác trong đo đạc trắc địa nói chung và bố trí công trình nói riêng. Bài báo này nghiên cứu khảo sát độ chính xác công nghệ trạm CORS đơn trong công tác bố trí các cọc tim tuyến phục vụ thi công tuyến đường. Một tuyến đường thực nghiệm đã được thiết kế và bố trí tim tuyến bằng hai phương pháp là sử dụng máy toàn đạc điện tử và sử dụng phương pháp trạm CORS. Sau đó, tiến hành đánh giá độ chính xác của phương pháp trạm CORS so với phương pháp truyền thống là sử dụng máy toàn đạc điện tử. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng phương pháp sử dụng các trạm CORS có thể đảm bảo độ chính xác bố trí tim tuyến trong thi công tuyến đường.

Mô hình phân tích ứng xử của dầm gia cường bằng FRP chịu tải trọng cơ - nhiệt

Trang: 80-90 Phạm Văn Phê, Nguyễn Xuân Huy
Tóm tắt

Bài báo phát triển một mô hình sai phân hữu hạn để dự đoán ứng suất cắt và ứng suất pháp ở bề mặt dính kết vật liệu của các dầm gia cường bằng tấm dán FRP chịu tác dụng của tải trọng cơ-nhiệt. Bốn trường ứng suất ở hai bề mặt lớp dính kết được giả thiết là hàm của các tọa độ dọc trục. Dựa trên các điều kiện cân bằng lực và các phương trình cân bằng ứng suất vi mô, ba trường ứng suất của một trạng thái ứng suất phẳng được diễn giải theo các hợp lực. Nguyên lý biến phân của năng lượng bù được áp dụng để thu được các phương trình tương thích của các ứng suất. Kết quả ứng suất pháp và ứng suất tiếp lớn nhất xảy ra gần mép tấm FRP dự đoán dựa trên nghiên cứu hiện tại là phù hợp tốt với các lời giải số bằng phần mềm thương mại ABAQUS

Dự báo tuổi thọ đến khi xuất hiện vết nứt mỏi cho trục bánh xe của toa xe hàng MC

Trang: 91-100 Đỗ Đức Tuấn, Vũ Tuấn Đạt
Tóm tắt

Để dự báo tuổi thọ đến khi xuất hiện vết nứt mỏi cho trục bánh xe của toa xe hàng MC, phân tích động lực học kết cấu được thực hiện với mô hình phần tử hữu hạn của bộ trục bánh xe dưới tác dụng của tải trọng trên miền thời gian có kể đến ảnh hưởng của hệ số tải trọng động thẳng đứng và ứng suất mối lắp ghép có độ dôi giữa trục và bánh xe. Số liệu ứng suất trên miền thời gian, có được từ kết quả phân tích động lực học kết cấu, được dùng để tính toán tuổi thọ mỏi cho trục bánh xe trên cơ sở phương pháp ứng suất danh nghĩa. Đường cong mỏi S-N của vật liệu được xây dựng và hiệu chỉnh theo ứng suất trung bình bằng công thức của Goodman và phần trăm xác suất không hỏng. Kết quả tính toán cho thấy: với xác suất không hỏng p(95%) hoặc vận tốc toa xe là 60 km/h, trục bánh xe đều đảm bảo yêu cầu về tuổi thọ thiết kế theo QCVN 87: 2015/BGTVT.

Nghiên cứu độ lún hệ cọc đất xi măng kết hợp lưới địa kỹ thuật cường độ cao trên mô hình thực nghiệm

Trang: 101-112 Nguyễn Thái Linh, Nguyễn Đức Mạnh, Phạm Hoàng Kiên
Tóm tắt

Hệ cọc đất xi măng kết hợp lưới địa kỹ thuật gia cường ngày càng được sử dụng rộng rãi trong xử lý nền đất yếu. Nhờ khả năng chịu kéo lớn, lưới địa kỹ thuật được trải trên đỉnh cọc tạo thành lớp truyền tải mềm, giúp gia tăng phần tải trọng truyền vào cọc, giảm một phần tải trọng truyền xuống phần đất yếu giữa các cọc, nên giảm được độ lún lệch của cọc với phần đất xung quanh. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên mô hình thu nhỏ tỷ lệ 1/25, hàm lượng xi măng gia cố tương ứng 300kg xi cho một mét khối đất trộn, tiến hành tại phòng thí nghiệm của bộ môn Địa kỹ thuật trường Đại học giao thông vận tải cho thấy, độ lún đỉnh cọc và đất nền giữa các cọc khi có lớp lưới địa kỹ thuật cường độ cao giảm đi đáng kể (17% đến 67%) so với trường hợp không có lớp lưới này

Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải trạm trộn bê tông xi măng bằng mô hình phòng thí nghiệm

Trang: 113-122 Vũ Phương Thảo
Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích đánh giá khả năng xử lý nước thải thi công tại các Trạm trộn bê tông quy mô phòng thí nghiệm. Kết quả vận hành mô hình ở phòng thí nghiệm cho thấy hiệu suất xử lý TSS khá ổn định, đạt trên 99%; hiệu quả xử lý độ màu trong nước thải đạt 54,8-57,7%; hiệu quả xử lý COD đạt 75,9-76,8%; hiệu quả xử lý dầu mỡ khoáng đạt 97%. Như vậy, kết quả thu được từ mô hình thí nghiệm rất khả quan, cho thấy rằng việc xử lý các chỉ tiêu ô nhiễm đặc trưng trong nước thải sản xuất tại các trạm trộn bê tông bằng cách ứng dụng sơ đồ công nghệ như mô hình xử lý là phù hợp.

Phân tích đặc trưng dòng chảy trong khe nứt của vật liệu rỗng bằng phương pháp phần tử biên

Trang: 123-134 Nguyễn Đình Hải, Trần Anh Tuấn
Tóm tắt

Bài báo này liên quan đến việc mô phỏng số dòng chảy của chất lỏng nhớt trong vết nứt đơn xuất hiện trong môi trường vật liệu rỗng bằng cách sử dụng phương pháp phần tử biên. Trong nghiên cứu này, ứng xử thuỷ lực tại vết nứt và miền chưa nứt được miêu tả bởi phương trình Stokes trong không gian hai chiều. Bằng cách kết hợp phương pháp phân ly nghiệm số và sơ đồ rời rạc hoá biên miền tính toán, chúng ta thu được trước hết là lời giải cho trường vận tốc và các đặc tính khác của dòng chảy tại mọi nơi trên miền tính toán, sau đó sử dụng kết quả này để xác định độ thấm có hiệu của môi trường rỗng có chứa vết nứt. Kết quả cho trường vận tốc tính toán bằng phương pháp này cho thấy sự phù hợp với kết quả số xác định bằng phương pháp phần tử hữu hạn

Thiết bị thu thập dữ liệu không dây sử dụng cảm biến áp điện ứng dụng trong đo dao động kết cấu cầu

Trang: 135-144 Đào Thanh Toản
Tóm tắt

Đo dao động của kết cấu nhịp là một trong những khâu quan trọng trong kiểm định cầu. Thiết bị đo không dây có nhiều ưu điểm như kích thước nhỏ gọn, thiết lập và thao tác đơn giản, và chi phí quá trình kiểm định thấp hơn. Tuy nhiên, hiện nay giá thành thiết bị còn khá cao và đa số nhập ngoại. Nội dung chính của bài báo tập trung nghiên cứu chế tạo thiết bị DAQ không dây và chương trình sử dụng cảm biến áp điện PVDF phục vụ việc đo dao động của kết cấu cầu. Bên cạnh đó, kết quả đo dao động tại cầu Lam Kinh, Thanh Hóa với thiết bị không dây cũng được phân tích và so sánh với giá trị thu được từ thiết bị tiêu chuẩn sử dụng cáp kết nối

Thiết lập quy trình và chương trình thử nghiệm mỏi kéo thuần túy vật liệu kim loại trên máy thử nghiệm mỏi LFV 500-HH

Trang: 145-153 Nguyễn Đức Toàn, Đỗ Đức Tuấn
Tóm tắt

Thiết bị thử nghiệm LFV 500-HH của hãng Walter+bai AG tại Phòng thí nghiệm Trường Đại học Giao thông vận tải có nhiều tính năng khác nhau, trong đó có các tính năng thử nghiệm mỏi kéo và kéo-nén đối với vật liệu kim loại. Việc thử nghiệm mỏi kéo-nén vật liệu kim loại đã được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2016. Tuy nhiên việc thử nghiệm mỏi kéo thuần túy trên thiết bị này cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Để khai thác tính năng này của thiết bị, cần tiếp tục các nghiên cứu tiếp theo, trong đó có việc thiết lập quy trình và chương trình thử nghiệm nghiệm mỏi kéo thuần túy mẫu vật kim loại trên thiết bị thử nghiệm LFV 500-HH. Quy trình và chương trình thử nghiệm này sẽ được ứng dụng để tiến hành thử nghiệm các loại vật liệu kim loại cụ thể, từ đó xác định họ đường cong mỏi và các đặc trưng mỏi tương ứng, phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Nghiên cứu dự báo sức chịu tải tới hạn của cấu kiện cột ống thép nhồi bê tông có tiết diện hình chữ nhật bằng mạng nơ ron nhân tạo

Trang: 154-166 Lý Hải Bằng, Nguyễn Thùy Anh
Tóm tắt

Kết cấu ống thép nhồi bê tông (CFST) có nhiều lợi thế so với kết cấu thông thường làm bằng thép hoặc bê tông cốt thép nên hiện nay đang được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực xây dựng công trình. Khả năng chịu lực dọc trục (Pu) của CFST là một trong những tính chất cơ học quan trọng nhất và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thuộc tính của vật liệu, kích thước hình học mặt cắt. Trong nghiên cứu này, mô hình mạng Nơ-Ron lan truyền ngược (BPNN) với việc sử dụng thuật toán Levenberg - Marquardt được sử dụng để dự đoán sức chịu tải tới hạn (Pu) của cột CFST hình chữ nhật. Với 99 dữ liệu thử nghiệm từ các công trình đã công bố, 69 số liệu đã được chọn để huấn luyện và 30 số liệu được sử dụng để kiểm chứng mô hình BPNN. Các thông số chính được nghiên cứu trong bài viết gồm chiều cao, chiều rộng mặt cắt, độ dày của cột thép, chiều dài cột, cường độ của thép, cường độ bê tông đã được đề cập để dự đoán khả năng chịu lực tới hạn của cột CFST. Kết quả cho thấy mô hình ANN dự báo rất tốt với độ chính xác cao và sai số thấp (hệ số tương quan R = 0.99)