Mục lục

Nghiên cứu thực nghiệm đánh giá cường độ chịu nén của bê tông được kiềm chế nở ngang bằng tấm CFRP

Trang: 1010-1022 Đào Sỹ Đán, Phạm Hoàng Kiên, Phạm Văn Phê
Tóm tắt

Tấm CFRP (Carbon Fiber Reinforced Polymer) là một loại vật liệu mới có nhiều nhiều ưu điểm nổi trội và nó đặc biệt thích hợp cho việc gia cường kết cấu bê tông cốt thép. Loại vật liệu này bắt đầu được ứng dụng ở các nước phát triển vào khoảng năm 1980, nhưng nó còn tương đối mới ở Việt Nam. Trong nghiên cứu này, một nghiên cứu thực nghiệm đã được thực hiện để đánh giá cường độ chịu nén của mẫu bê tông hình trụ tròn khi được kiềm chế nở ngang bằng tấm CFRP, của hãng Toray, Nhật Bản, ở các mức độ gia cường khác nhau. Kết quả cho thấy, hiệu quả gia cường của tấm CFRP trong nghiên cứu này là cơ bản phù hợp với các mô hình đã được đề xuất bởi những nghiên cứu trước đó trên thế giới. Hiệu quả gia cường của tấm CFRP phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thi công tấm CFRP; nó đòi hỏi người thi công phải có kinh nghiệm và tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà phân phối vật liệu CFRP. Từ những kết quả thí nghiệm, nghiên cứu này đề xuất sử dụng các mô hình phù hợp để đánh giá cường độ chịu nén của bê tông khi được kiềm chế nở ngang bằng tấm CFRP của hãng Toray, Nhật Bản, cũng như của các hãng khác.

Ảnh hưởng của nhựa PET tái chế từ chai nhựa đến một số tính chất cơ lý của bê tông

Trang: 1023-1033 Nguyễn Đình Hải, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Anh Tuấn, Vũ Bá Thành, Lê Thu Trang, Nguyễn Văn Thanh
Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích xác định một số đặc trưng cơ học của bê tông sử dụng rác thải tái chế được băm từ chai nhựa PET (PolyEthylene Terephthalate) phế thải. Trong bài báo này, ảnh hưởng của việc thay thế bê tông bởi 10, 15, 20% mảnh PET băm theo thể tích sẽ được thực hiện. Để xác định được ảnh hưởng này, nghiên cứu đã tiến hành đúc các mẫu hình lăng trụ và lập phương với các hàm lượng mảnh PET thay thế bê tông theo thể tích khác nhau và xác định tính công tác của các hỗn hợp bê tông. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi hàm lượng PET tăng lên thì tính công tác của hỗn hợp CWRP giảm xuống, với các hàm lượng mảnh PET thay thế bê tông là 10% đến 15% thì độ chảy lan giảm 7% và 36%. Khi bê tông đã đóng rắn, thực nghiệm cho thấy các giá trị cường độ chịu nén, chịu ép chẻ và mô đun đàn hồi có xu hướng giảm. Cụ thể khi thay thế bê tông bởi 10%, 15% và 20% mảnh PET thì các giá trị cường độ chịu nén giảm 35%, 41%, và 51%; cường độ chịu kéo khi uốn giảm 9,2% ; 16.45% và 19,8%; và mô đun đàn hồi giảm 18,38% ; 20.32% và 26,12% tương ứng. Đồng thời nghiên cứu cũng cho thấy khối lượng thể tích của bê tông sử dụng PET nhỏ hơn của mẫu đối chứng do khối lượng riêng của PET nhỏ hơn so với bê tông đối chứng.

Nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm xác định chiều dài triển khai của cốt thanh GFRP trong kết cấu bê tông nhẹ

Trang: 1034-1046 Từ Sỹ Quân, Nguyễn Văn Tươi, Lê Văn Dương, Nguyễn Thành Tâm, Trần Thế Truyền
Tóm tắt

Việc sử dụng sỏi nhẹ keramzit thay thế cốt liệu thô trong bê tông đã từng bước được áp dụng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam và trên thế giới, giúp giảm đáng kể trọng lượng phần trên của kết cấu, tiết kiệm được chi phí liên quan đến cẩu lắp cũng như kết cấu phần dưới. Bên cạnh đó, tính toán chiều dài triển khai của cốt thanh gia cường dựa trên cơ sở ứng xử dính bám với bê tông nền là việc làm bắt buộc đối với công tác thiết kế bố trí cốt thanh polimer sợi thủy tinh (GFRP) trong kết cấu bê tông. Các tiêu chuẩn cũng khuyến cáo có sự suy giảm nhất định của ứng xử dính bám đối với trường hợp của bê tông nhẹ, kéo theo sự suy giảm khả năng chịu tải của các cấu kiện.Do vậy, các thí nghiệm kéo tụt thanh GFRP ra khỏi mẫu (pull out test) đã được tiến hành trên các mẫu bê tông nhẹ hình lập phương có cùng thành phần cấp phối với ba loại đường kính thanh khác nhau và với chiều dài neo gấp năm lần đường kính thanh. Các tiêu chuẩn của Mỹ, Canada và Nhật bản đã được sử dụng để tham chiếu cho thấy các tính toán lý thuyết thiên về an toàn hơn so với kết quả thí nghiệm thu được. Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho phép đưa ra các khuyến cáo cho công tác thiết kế, cụ thể là trong trường hợp của kết cấu có sử dụng bê tông sỏi nhẹ và cốt thanh gia cường GFRP.

Xác định độ thấm có hiệu của mô hình bê tông bị nứt bằng phương pháp PTHH

Trang: 1047-1056 Trần Thị Bích Thảo
Tóm tắt

Độ bền của kết cấu bê tông có chứa vết nứt phụ thuộc rất lớn vào đặc tính thấm nước của nó. Sự hiểu biết về hiện tượng truyền dẫn cho phép xác định tuổi thọ và tối ưu hoá việc thiết kế thành phần vật liệu. Vì vậy mục tiêu chính bài báo là nghiên cứu ảnh hưởng của quy luật phân bố vết nứt đến độ thấm có hiệu của mô hình mô phỏng số khối bê tông. Để đạt được mục tiêu này, trước tiên mẫu bê tông hai chiều với các hạt cốt liệu thô được khởi tạo. Tiếp đến hệ thống các vết nứt được bố trí ngẫu nhiên với sự thay đổi về mật độ. Cuối cùng các đặc tính thuỷ lực của mô hình đề xuất được xác định bởi phương pháp phần tử hữu hạn. Hơn nữa, những kết quả số thu được được dùng để chứng minh, phân tích mức độ ảnh hưởng của mật độ vết nứt và quy luật phân bố của chúng đến tính thấm có hiệu của mô hình bê tông bị nứt

Nghiên cứu thực nghiệm đặc tính cơ lý và mô phỏng khả năng thoát nước của bê tông nhựa rỗng

Trang: 1057-1068 Hoàng Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Quang Tuấn
Tóm tắt

Hỗn hợp bê tông nhựa truyền thống được sử dụng làm lớp phủ mặt đường là hỗn hợp có cấp phối liên tục, độ rỗng nhỏ (độ rỗng dư từ 3% đến 6%), khả năng thoát nước trên mặt kém (tạo thành màng nước giữa mặt đường và bánh xe khi lượng nước mưa hoặc nước mặt lớn) gây mất an toàn khi xe chạy ở tốc độ cao. Nhằm khắc phục tình trạng này, kết cấu mặt đường sử dụng bê tông nhựa rỗng (BTNR) đã được sử dụng thay thế cho bê tông nhựa chặt (BTNC) thông thường góp phần cải thiện sức kháng trượt mặt đường (thông qua việc tăng hiệu quả thoát nước mặt đường), giảm tiếng ồn khi xe chạy với tốc độ cao, cải thiện tầm nhìn vào ban đêm khi có mưa. Tại nhiều nước trên thế giới, mặt đường BTNR thường sử dụng hỗn hợp bê tông nhựa với độ rỗng dư điển hình từ 18% đến 22%. Bài báo này nhằm giới thiệu các kết quả thiết kế thực nghiệm hỗn hợp BTNR có độ rỗng dư nằm trong khoảng từ 18% đến 22%, đồng thời phân tích các quan hệ thực nghiệm của một số chỉ tiêu cơ lý chủ yếu (hệ số thấm, độ rỗng dư, độ ổn định Marshall) của hỗn hợp BTNR. Từ kết quả thực nghiệm, mô phỏng khả năng thoát nước của lớp bê tông nhựa rỗng được thực hiện nhằm đánh giá mức độ thoát nước của mặt đường này khi trời mưa

Ảnh hưởng của nhiệt độ đầm mẫu trong thiết kế Marshall đến đặc tính của bê tông nhựa

Trang: 1069-1081 Trần Ngọc Hưng, Trần Trung Hiếu
Tóm tắt

Chất lượng của hỗn hợp bê tông nhựa sau khi thi công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại vật liệu thành phần được sử dụng, thiết kế thành phần các loại vật liệu, chất lượng thi công… trong đó quá trình trộn và đầm nén hỗn hợp bê tông nhựa giữ vai trò quyết định trong các yếu tố ảnh hưởng thuộc giai đoạn thi công. Bài báo tiến hành nghiên cứu thực nghiệm đánh giá sự ảnh hưởng của yếu tố nhiệt độ trong quá trình trộn và đầm mẫu bê tông nhựa theo phương pháp Marshall đến các đặc tính thể tích và cơ học của bê tông nhựa chặt 12,5. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng nhựa tối ưu thiết kế thay đổi khi tăng hoặc giảm nhiệt độ trộn và đầm nén mẫu. Ngoài ra, độ ổn định Marshall, mô đun đàn hồi và cường độ chịu kéo gián tiếp của mẫu bê tông nhựa có sự thay đổi tuân theo quy luật tuyến tính theo sự thay đổi nhiệt độ trộn và đầm mẫu

Nghiên cứu thực nghiệm hệ số poát xông phức động của một số loại bê tông nhựa ở Việt Nam

Trang: 1082-1096 Bùi Văn Phú, Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Quang Phúc
Tóm tắt

Mô đun phức động (complex modulus) và hệ số Poát xông phức động (complex Poisson’s ratio) là 2 tham số mô tả tính chất đàn nhớt tuyến tính 3 chiều của hỗn hợp bê tông nhựa (BTN) dưới tác dụng của tải trọng có tính chu kỳ (tải trọng động). Bài báo trình bày nghiên cứu thực nghiệm xác định hệ số Poát xông động |ν*| của hỗn hợp bê tông nhựa bằng cách sử dụng thiết bị nén Cooper kết hợp với các đầu đo biến dạng gắn thêm có độ chính xác cao lắp đặt trên thân mẫu hình trụ tròn. Thí nghiệm được thực hiện tại nhiều tần số và nhiệt độ khác nhau. Ba loại BTN, trong đó có hai loại BTN sử dụng cùng một loại nhựa đường nguyên gốc 60/70 và một loại BTN sử dụng nhựa đường polyme PMB3 được sử dụng để nghiên cứu. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đo đạc hệ số Poát xông của bê tông nhựa trong khoảng rộng về tần số và nhiệt độ. Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng hệ số Poát xông động |ν*| không phải là một hằng số mà thay đổi phụ thuộc vào thời gian tác dụng lực và nhiệt độ. Hệ số Poát xông động tăng khi nhiệt độ tăng hoặc tần số tác dụng lực giảm và ngược lại. Góc lệch pha ϕν giữa biến dạng theo phương dọc trục và biến dạng theo phương ngang cũng được xác định. Kết quả thực nghiệm cũng cho thấy có sự liên hệ giữa hệ số Poát xông với loại bê tông nhựa thí nghiệm. Với 2 loại BTN sử dụng cùng loại nhựa đường 60/70, hệ số dịch chuyển aT là xấp xỉ nhau

Phương hướng bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam

Trang: 1097-1106 Trần Thị Tú Anh, Phạm Thanh Tuấn
Tóm tắt

Bảo vệ môi trường là hoạt động không thể tách rời trong kinh doanh khai thác cảng biển. Đi đôi với sự phát triển của ngành kinh tế biển thì các rủi ro, nguy cơ về môi trường càng lớn. Gần đây Việt Nam đã tham gia rất nhiều các Hiệp định, các Công ước quốc tế nên trách nhiệm bảo vệ môi trường thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng, dư luận. Tuy có nhiều doanh nghiệp cảng biển rất nỗ lực và tiên phong đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường thì cũng không ít các doanh nghiệp cảng biển vẫn chưa quan tâm đúng mực đến trách nhiệm đối với cộng đồng. Nhằm định hướng các hoạt động bảo vệ môi trường trong khai thác cảng biển, việc đề ra phương hướng chung là vô cùng cần thiết

Đánh giá độ không đảm bảo đo trong phép đo độ trụ chi tiết tròn xoay bằng phương pháp quét laser

Trang: 1107-1117 Lê Xuân Cam, Nguyễn Văn Vinh, Hoàng Hồng Hải, Nguyễn Thị Kim Cúc
Tóm tắt

Việc sử dụng dữ liệu ba chiều (3D) trong lĩnh vực đo lường công nghiệp ngày càng trở nên phổ biến do sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật quét laser. Tuy nhiên, độ chính xác và độ không đảm bảo đo của các loại phương pháp này chưa được nghiên cứu nhiều. Trong nghiên cứu này, một mô hình đánh giá và trình bày độ không đảm bảo đo cho phép đo sai lệch độ trụ của các chi tiết tròn xoay đã được đề xuất và áp dụng cho thiết bị đo biên dạng chi tiết tròn xoay sử dụng hệ thống đo Laser scan micrometer (LSM). Các thí nghiệm đã được thực hiện bằng cách sử dụng phương pháp đảo ngược để đo sai lệch độ trụ trong phòng thí nghiệm với hai sai lệch thành phần theo mặt cắt ngang và mặt cắt dọc trục. Kết quả thực nghiệm phép đo độ trụ bằng phương pháp quét laser đo biên dạng chi tiết tròn xoay chế tạo có độ không đảm bảo đo mặt cắt ngang trục là 1,68 m và dọc trục là 6 µm với xác xuất tin cậy 95%

Thiết kế chế tạo thiết bị đếm trục sử dụng phương pháp cảm ứng điện từ

Trang: 1118-1130 Nguyễn Thanh Hải, Đặng Quang Thạch, Cồ Như Văn, Trần Văn Khuyến
Tóm tắt

Bộ đếm trục là một thiết bị quan trọng để hệ thống điều khiển tín hiệu đường sắt hoạt động an toàn và chính xác. Hiện nay thiết bị đếm trục nhập khẩu được dùng phổ biến trong hệ thống tín hiệu đường sắt, bài báo này đưa ra giải pháp chế tạo thiết bị đếm trục sử dụng cho đường sắt Việt nam. Nguyên lý của cảm biến dựa vào sự thay đổi từ thông qua cuộn thu khi bánh tàu đi qua cảm biến, mạch xử lý tín hiệu căn cứ vào biên độ và pha điện áp từ cuộn thu nhận dạng trạng thái của bánh tàu chiếm dụng vùng không gian đặt cảm biến. Cảm biến và mạch xử lý đã được chế tạo và thử nghiệm trên một số tuyến thuộc đường sắt Việt nam, kết quả cho thấy ngưỡng giữa trạng thái có tàu và không có tàu được phân biệt rõ ràng. Giá trị đếm trục được truyền về trung tâm điều khiển qua mạng truyền thông CAN độ tin cậy cao. Ứng dụng của thiết bị chế tạo có thể được dùng cho ga điện khí tập trung, hệ thống tự động cảnh báo đường ngang, hệ thống đóng đường tự động