Trang: 735-751 Phạm Ngọc Phương, Nguyễn Văn Tài, Trần Thị Thu ThảoTóm tắtCốt liệu cao su được nhận định sẽ giúp tăng khả năng kháng nứt do co ngót của vật liệu xi măng. Tuy nhiên hiện không nhiều các nghiên cứu sử dụng cốt liệu phế thải này trong lớp móng cấp phối đá dăm (CPĐD) gia cố xi măng (GCXM). Nghiên cứu này sử dụng cốt liệu cao su cỡ hạt 1÷3 mm thêm vào CPĐD Dmax25 gia cố 4% xi măng với tỉ lệ 1%, 2% và 5% khối lượng cốt liệu khô. Các loại CPĐD-cao su GCXM này được thí nghiệm đánh giá các chỉ tiêu cường độ và đặc biệt triển khai thi công thí điểm 2 loại CPĐD GCXM sử dụng 0% và 2% cao su. Kết quả cho thấy CPĐD GCXM trộn thêm 1% và 2% cao su đạt cường độ yêu cầu làm lớp móng trên. Ngoài ra, đã quan sát được 2 vết nứt rộng khoảng 1 mm xuất hiện ở ngày thứ 30 trên lớp móng GCXM không trộn thêm cốt liệu cao su trên toàn bộ bề rộng lớp móng (3,25 m), trong khi đó CPĐD GCXM thêm 2% cao su không xuất hiện vết nứt. Điều này chứng tỏ cốt liệu cao giúp CPĐD GCXM giảm co ngót và hạn chế nứt do co ngót. Nghiên cứu góp phần thúc đẩy sử dụng cốt liệu cao su được nghiền từ lốp xe phế thải trong xây dựng đường, góp phần hạn chế các vấn đề môi trường do lốp xe phế thải gây ra
Trang: 752-768 Ngô Đăng Quang, Nguyễn Huy Cường, Mai Đình Lộc, Đinh Hữu Tài, Lê Minh CảnhTóm tắtTác động của nhiệt độ là một trong những nguyên nhân gây ra nứt cho công trình cầu bê tông, đặc biệt là do ảnh hưởng từ bức xạ mặt trời. Bài báo trình bày kết quả mô phỏng xác định sự phân bố nhiệt độ trong dầm cầu bê tông cốt thép có mặt cắt dạng hộp trong giai đoạn khai thác. Việc mô phỏng được thực hiện theo hai bước là (a) mô phỏng đối chứng với số liệu quan trắc nhằm kiểm tra, hiệu chỉnh mô hình tính và (b) mô phỏng dự đoán với một số kịch bản thời tiết cực đoan với số liệu cơ bản được lấy từ Quy chuẩn xây dựng. Trong nghiên cứu mô phỏng này, bức xạ mặt trời được tính toán ở mức độ chi tiết nhất dựa trên các công bố gần đây với việc xem xét tác động của tán xạ quanh mặt trời theo đúng quỹ đạo của mặt trời. Các kết quả mô phỏng đều phản ánh đúng số liệu quan trắc và phù hợp với các công bố của nhiều tác giả trên thế giới. Các số liệu mô tả gradient nhiệt cho mặt cắt dạng hộp thu được từ kết quả mô phỏng có một số khác biệt so với mô hình gradient nhiệt của tiêu chuẩn thiết kế cầu, đặc biệt là ở mô hình gradient nhiệt âm và gradient nhiệt theo phương ngang trên thành dầm
Áp dụng phương pháp trường pha để dự báo ứng xử chịu kéo khi uốn của bê tông xi măng rỗng
Trang: 769-784 Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Hoàng Quân, Trần Bảo Việt, Trần Anh TuấnTóm tắtBê tông xi măng rỗng là vật liệu sinh thái có nhiều ưu điểm như kiểm soát được lưu lượng nước bề mặt, giảm ô nhiễm mỗi trường, tái tạo nguồn nước ngầm, lọc các chất độc cho nước. Các nghiên cứu về ứng xử chịu kéo uốn của vật liệu này còn hạn chế so với các nghiên cứu về ứng xử chịu nén, về độ rỗng, tính thấm. Bài báo nhằm mục đích đề xuất mô hình mô phỏng số mới xác định ứng xử chịu kéo khi uốn của bê tông xi măng rỗng ở cấp độ vật liệu. Ứng xử phá hoại của bê tông xi măng rỗng được mô phỏng bằng phương pháp phần tử hữu hạn dựa trên lý thuyết trường pha. Phương pháp này cho phép mô phỏng hệ thống vết nứt phức tạp như vết nứt phân nhánh, các vết nứt nhỏ gặp nhau tạo thành vết nứt lớn. Cấu trúc của bê tông xi măng rỗng được xây dựng thông qua các thuật toán mới về xây dựng lưới. Các hạt cốt liệu được giả thiết có hình dạng elíp. Kết quả mô phỏng cho thấy sự tương đồng với kết quả thí nghiệm về mối quan hệ lực – độ mở rộng vết nứt, dạng phá hoại. Bên cạnh đó, kết quả mô hình số cũng cho thấy ảnh hưởng của hình dạng hạt cốt liệu tới ứng xử chịu kéo khi uốn của bê tông xi măng rỗng
Trang: 785-797 Võ Thiện LĩnhTóm tắtKhói thuốc lá chứa nhiều chất hóa học, trong đó có nhiều chất gây ra những căn bệnh nguy hiểm điển hình như: ung thư phổi, bệnh tim mạch, vô sinh và nhiều bệnh nan y khác. Nhắc nhở và cảnh báo người hút thuốc lá nơi công cộng là một trong những việc làm quan trọng trong việc tuyên truyền và phòng chống tác hại của thuốc lá. Các hệ thống giám sát người hút thuốc lá và cảnh báo thông minh đã được quan tâm nghiên cứu bởi cộng đồng khoa học trong thời gian qua. Mục đích của nghiên cứu này là cải thiện hệ thống trước đây bằng cách sử dụng Yolov4 kết hợp LSTM để cho ra kết quả dự đoán chính xác cao. Thay vì chỉ sử dụng Yolov4 như là phương pháp phát hiện người cầm điếu thuốc lá, phương pháp đề xuất này sử dụng Yolov4 để trích các đặc trưng từ các khung hình của video, chuỗi các khung hình đặc trưng liên tiếp này được đưa vào mạng LSTM để dự đoán. Để đánh giá hiệu suất của phương pháp, nghiên cứu đã thực hiện trên bộ dữ liệu được thu thập riêng của nhóm: 5000 ảnh và 120 video chứa hành vi hút thuốc. Kết quả cho thấy rằng cách tiếp cận đề xuất đã thành công khi nhận ra các hành động hút thuốc lá của con người trên bộ dữ liệu này với độ chính xác cao hơn phương pháp truyền thống
Trang: 798-813 Trần Thị Phương Anh, Nguyễn Phước Quý Duy, Phan Cao Thọ, Fumihiko NAKAMURATóm tắtSự hài lòng của hành khách đối với dịch vụ xe buýt có ý nghĩa làm tăng khả năng sử dụng xe buýt trong tương lai và do đó duy trì được lượng hành khách sử dụng, tăng hiệu quả đầu tư cải thiện hệ thống xe buýt. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này rất ít nghiên cứu trong nước được tìm thấy. Bài báo tập trung nhấn mạnh vai trò của chất lượng dịch vụ xe buýt đô thị Việt Nam. Mô hình phương trình cấu trúc có biến bậc hai được xây dựng trên cơ sở dữ liệu được thu thập từ 858 hành khách sử dụng xe buýt ở hai thành phố, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt gồm 4 thành phần: tính tin cậy, tính tiện nghi, trang thiết bị trên xe và nhân viên phục vụ. Trong đó, tính tin cậy và chất lượng trang thiết bị trên xe đóng vai trò quan trọng hơn cả tạo nên cảm nhận chung về chất lượng dịch vụ, yếu tố có tác động lớn nhất đến sự hài lòng của hành khách. Ngoài ra, các yếu tố khác như hình ảnh, cảm nhận về giá trị, cảm nhận an toàn và lợi ích sức khỏe cũng được tìm thấy tác động có ý nghĩa đến sự hài lòng của hành khách. Một số giải pháp cũng được kiến nghị nhằm tăng hài lòng của hành khách, do đó tăng sử dụng xe buýt trong tương lai, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trong đô thị
Thiết kế, chế tạo phím bấm không tiếp xúc ứng dụng trong thời kì Covid-19
Trang: 814-822 Vũ Ngọc Quý, Mai Xuân Kiên, Trần Mạnh CườngTóm tắtĐại dịch Covid-19 diễn ra đã làm thay đổi thói quen giao tiếp của cả xã hội. Để hạn chế sự lây lan của bệnh dịch, các nguyên tắc được đặt ra như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, và đặc biệt là giảm tiếp xúc cá nhân hoặc các bề mặt nơi công cộng. Trong bài báo này, chúng tôi trình bày thiết kế, chế tạo phím bấm không tiếp xúc bằng cách sử dụng điện cực vải hữu cơ. Phím bấm có kích thước 70 x 70 mm gồm các lớp điện cực vải và lớp cách điện bằng cao su silicon. Điện dung của phím bấm giảm từ 77,73 pF xuống còn 77,31 pF khi tay người sử dụng được đưa lại gần phím bấm. Mạch vi điều khiển tích hợp sẽ chuyển sự thay đổi điện dung này thành các tín hiệu logic để điều khiển hoạt động của một đèn LED. Hệ thống hoạt động tốt với khoảng cách tiếp xúc nhỏ hơn 10 cm. Bởi tính chất linh hoạt và mềm dẻo của điện cực vải, phím bấm không tiếp xúc có thể được gắn trên nhiều bề mặt khác nhau, cho thấy tiềm năng ứng dụng tốt
Trang: 823-834 Huỳnh Văn Quân, Phạm Ngọc BảyTóm tắtDưới tác dụng lặp của tải trọng động đất, phần đất nền xung quanh móng sẽ biến dạng, có thể làm móng tách khỏi mặt tiếp xúc với nền đất (phi tuyến hình học) và/hoặc tính chất của đất thay đổi dẫn đến xuất hiện phi tuyến vật liệu. Bài báo cải tiến mô hình phân tích hệ bể chứa-chất lỏng dạng thông số tập trung của tiêu chuẩn API 650 dưới tải trọng động đất bằng cách xét đến tương tác kết cấu-đất nền (SSI) giúp ứng xử của hệ gần với thực tế. Trong đó, hệ móng-đất nền được thay bằng một mô hình tiên tiến là phần tử vĩ mô (macro element) nên bài toán được đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác. Mô hình đề xuất gồm chất lỏng, bể chứa, móng và đất nền sẽ được phân tích dưới tải trọng động đất El-Centro (1940) với gia tốc đỉnh tra theo tiêu chuẩn TCVN 9386:2012. Kết quả phân tích được biểu diễn theo thời gian giúp quan sát diễn tiến của phản ứng so với chỉ thu được giá trị cực đại của tiêu chuẩn API 650 và độ lệch các giá trị phản ứng cực đại giữa hai phương pháp đều lớn hơn 10% đã phần nào thể hiện ảnh hưởng của việc xét đến SSI