Mục lục

Mô phỏng sự hình thành và lan truyền vết nứt trong dầm bê tông cường độ cao có chất kết dính bổ sung nano silica bằng phương pháp phase field

Trang: 672-686 Vũ Bá Thành, Ngô Văn Thức, Bùi Tiến Thành, Trần Thế Truyền, Đỗ Anh Tú
Tóm tắt

Trong thời gian gần đây, phương pháp phase field là một công cụ mô phỏng mạnh để dự đoán sự phát triển vết nứt trong kết cấu. Phương pháp này sử dụng biến phase field và hàm suy biến để mô tả sự suy giảm năng lượng tồn tại trong vật thể cũng như trạng thái của vết nứt dựa vào việc giải quyết kết hợp giữa bài toán phase field và bài toán cơ học. Trong nghiên cứu này, phương pháp phase field được sử dụng để xác định: (i) sự hình thành và lan truyền vết nứt trong kết cấu; (ii) đường cong ứng xử giữa tải trọng và chuyển vị; (iii) đường cong quan hệ giữa tải trọng và độ mở rộng miệng vết nứt do chuyển vị (CMOD) và (iv) công cơ học phá hủy của dầm bê tông chịu uốn ba điểm. Các mẫu dầm này được làm từ bê tông cường độ cao với sự thay đổi tỷ lệ chất kết dính bổ sung nano-silica (NS) từ 0% tới 1,5%. Kết quả tính toán từ phương pháp mô phỏng phù hợp với kết quả thực nghiệm và lý thuyết của các nghiên cứu trước đó. Phương pháp phase field có thể là một công cụ đáng tin cậy và hiệu quả để mô phỏng sự hình thành và lan truyền vết nứt và ứng xử cơ học của các kết cấu bê tông cường độ cao và bê tông tính năng cao.

Nghiên cứu các đặc trưng cơ học của bê tông sử dụng cát mịn phối trộn cát nghiền trong xây dựng cầu

Trang: 687-701 Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Duy Tiến, Thái Khắc Chiến
Tóm tắt

Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn xây dựng cơ sử hạ tầng với hàng loạt các công trình giao thông lớn đã và đang được triển khai như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cầu Bình Khánh, cầu Thủ Thiêm 2. Trong khi đó nguồn cát vàng hạt lớn để chế tạo bê tông xi măng ngày càng trở lên khan hiếm. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng các dự án đã tiến hành phối trộn cát mịn (CM) với cát nghiền thô còn gọi là đá mi (ĐX) để tạo ra cát hỗn hợp để dùng như một giải pháp thay thế. Nội dung bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu các tính chất cơ học của bê tông sử dụng cát hỗn hợp với cấp cường độ C40 phù hợp để áp dụng cho xây dựng cầu, đồng thời cũng xây dựng các phương trình quan hệ giữa các đặc trưng cơ học của bê tông với các tính chất của vật liệu cát hỗn hợp nhằm đưa ra các đề xuất phục vụ công tác thiết kế và thi công cầu với loại vật liệu đặc trưng này.

Đề xuất một số giải pháp phòng tránh sự tích tụ cây trôi ở khu vực cầu

Trang: 702-712 Nguyễn Đăng Phóng
Tóm tắt

Với các cầu ở miền núi và trung du của nước ta vào mùa lũ sự tích tụ các vật trôi như cây trôi (cây gỗ, tre, nứa, ...) hay bùn đá là một vấn đề phổ biến. Sự tích tụ cây trôi ở mố, trụ cầu gây ảnh hưởng xấu đến chế độ thủy lực của dòng chảy dưới cầu, làm tăng nguy cơ ngập lụt ở thượng lưu, tăng chiều sâu hố xói dưới cầu, có thể gây là sập cầu. Để phòng tránh sự tích tụ của cây trôi ở khu vực cầu có hai biện pháp cơ bản là biện pháp kết cấu và phi kết cấu. Vấn đề lựa chọn giải pháp phòng tránh sự tích tụ cây trôi phù hợp với điều kiện cụ thể của công trình cầu, cần đưa ra bộ tiêu chí đánh giá về nhiều mặt. Trong nội dung bài báo tác giả kiến nghị 03 biện pháp phòng tránh tích tụ của cây trôi áp dụng cho khu vực cầu Ngòi Thia (thuộc tỉnh lộ 174, tỉnh Yên Bái) là làm lệch hướng cây trôi, làm tường cánh dẫn hướng, lắp máy quét cây trôi ở thượng lưu các trụ cầu. Cho dù để lựa chọn chính xác biện pháp nào phải có sự so sánh đầy đủ về mặt Kinh tế - Kỹ thuật, tuy nhiên để đối phó với sự tích tụ của cây trôi một cách hiệu quả nhất thì ngay từ bước thiết kế phải đảm bảo giảm khả năng mắc kẹt và tích tụ các cây trôi như: 1) Tạo tĩnh không cần thiết giữa mực nước thiết kế và cao độ đáy dầm cầu; 2) Bố trí các trụ/mố có khoảng cách thích hợp và không nên đặt trụ trong đường đi của cây trôi (không đặt trụ trong lòng chính của sông suối).

Ứng dụng phân tích hồi quy phi tuyến xác định đặc trưng nén lún của mẫu đất dựa trên kết quả thí nghiệm nén cố kết

Trang: 713-721 Phạm Đức Tiệp, Trần Nam Hưng, Nguyễn Thành Lê
Tóm tắt

Khi cần tính toán độ lún của công trình theo thời gian, phải tiến hành xử lý số liệu thí nghiệm nén cố kết để cung cấp các tham số đặc trưng của mẫu đất. Bài báo này thiết lập mô hình hồi quy phi tuyến đơn biến để dự báo độ lún của mẫu đất theo thời gian khi tiến hành thí nghiệm nén cố kết. Các hệ số cần tìm của hàm hồi quy bao gồm mô đun đàn hồi Es, hệ số cố kết Cv và chỉ số nén thứ cấp Cα đều đặc trưng cho đất ứng với 3 giai đoạn lún khác nhau là lún tức thời, lún cố kết sơ cấp và lún cố kết thứ cấp. Phân tích hồi quy phi tuyến được thực hiện trên cơ sở bộ số liệu thí nghiệm cố kết ứng với một tải trọng nhất định. Kết quả chỉ ra rằng, mô hình hồi quy phi tuyến dự báo độ lún của mẫu đất sát với kết quả thực nghiệm, và do đó có thể được sử dụng để cung cấp các tham số nén lún phục vụ tính toán độ lún trong thực tế.

Xây dựng chương trình tính toán hãm đoàn tàu trên đường sắt Việt Nam

Trang: 722-737 Đỗ Đức Tuấn, Nguyễn Đức Toàn
Tóm tắt

Quá trình tính toán sức kéo đoàn tàu trong ngành đường sắt bao gồm nhiều bài toán khác nhau, một trong số đó là tính toán hãm đoàn tàu. Do tính đa dạng của các loại đoàn tàu, nên khối lượng tính toán là khá lớn, chiếm nhiều thời gian nếu tiến hành bằng phương thức thủ công truyền thống. Vì vậy, trên cơ sở lý thuyết đã biết, bằng ngôn ngữ lập trình Java đã tiến hành xây dựng chương trình tính toán hãm đoàn tàu áp dụng cho ngành đường sắt Việt Nam. Chương trình cho phép tính toán khoảng cách hãm với các loại vật liệu guốc hãm có hệ số ma sát khác nhau giữa guốc hãm với bánh xe trên các loại đoàn tàu khác nhau. Trên cơ sở đó, có thể so sánh và đưa ra những lựa chọn hợp lý về việc sử dụng vật liệu guốc hãm với các biểu thức về hệ số ma sát guốc hãm tương ứng. Chương trình cũng cho phép tăng nhanh tốc độ, đảm bảo tính linh hoạt và thuận tiện trong quá trình tính toán với các phương án lập tàu khác nhau.

Phân tích sự phân bố nhiệt độ do nhiệt thủy hóa xi măng trong trụ cầu bê tông cốt thép ở tuổi sớm bằng phương pháp đồng nhất hóa

Trang: 738-752 Nguyễn Xuân Lam, Lê Bá Anh, Vũ Bá Thành, Nguyễn Duy Tiến, Nguyễn Ngọc Long
Tóm tắt

Phân bố nhiệt độ trong kết cấu bê tông cốt thép (BTCT) ở tuổi sớm do ảnh hưởng của nhiệt thủy hóa xi măng là một vấn đề quan trọng cần phải được nghiên cứu, bởi hiện tượng này sinh ra ứng suất nhiệt và có ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ ứng suất-biến dạng của kết cấu BTCT. Ứng suất nhiệt này có giá trị tương đối lớn và là một trong những nguyên nhân gây ra vết nứt trong kết cấu bê tông ở giai đoạn thi công. Trong bài báo này, chúng tôi đưa ra một số vấn đề mới để phân tích nguyên nhân của sự hình thành và phân bố trường nhiệt độ trong kết cấu BTCT: (i) phương pháp đồng nhất hóa được áp dụng để xác định hệ số dẫn nhiệt tương đương và bề dày có hiệu của lớp vật liệu BTCT với các đường kính cốt thép, chiều dày bê tông bảo vệ và cấp bê tông điển hình; (ii) xây dựng chương trình tính toán dựa vào hệ số dẫn nhiệt tương đương đạt được của lớp BTCT và các phương trình truyền nhiệt để phân tích các trường nhiệt độ theo thời gian do thủy hóa xi măng trong một kết cấu trụ cầu thực tế.

Nghiên cứu ảnh hưởng của chiều sâu chôn thuốc nổ đến kích thước vùng phá hủy văng vật liệu rắn khi nổ lượng nổ tập trung

Trang: 753-762 Nguyễn Thành Đồng
Tóm tắt

Việc sử dụng năng lượng nổ trong thi công công trình ngầm và khai thác mỏ đang được ứng dụng rộng rãi và sử dụng hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Bài báo này nghiên cứu ảnh hưởng của chiều sâu chôn thuốc nổ đến kích thước vùng phá hủy văng vật liệu rắn khi nổ lượng nổ tập trung, làm rõ mối liên hệ giữa tác dụng của nổ văng phụ thuộc vào chiều sâu chôn thuốc một cách toàn diện hơn. Từ việc nghiên cứu phân tích lý thuyết nổ trong môi trường rắn bằng lượng nổ tập trung, kết hợp với việc tiến hành thí nghiệm nổ trên mô hình thu nhỏ vật liệu rắn là hỗn hợp vữa xi măng – cát đựng trong 1 chiếc bể kích thước 4,5x4,5x0,5m, bài báo đã thiết lập được hàm qui luật thực nghiệm về sự phụ thuộc bán kính phễu văng vào chiều sâu chôn thuốc, sự phụ thuộc về chiều sâu trông thấy phễu văng vào chiều sâu chôn thuốc nổ, tìm ra được chiều sâu chôn thuốc tối ưu và khuyến cáo giải pháp nổ hiệu quả trong thực tiễn.

Nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các cảng container tại Việt Nam

Trang: 763-777 Hà Minh Hiếu
Tóm tắt

Lợi thế cạnh tranh tiếp cận từ gốc độ khách hàng là thước đo quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng của cảng container tại Việt Nam. Vì vậy, mục tiêu nghiên cứu là xác định các yếu tố của cảng ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh cảng container tiếp cận từ khách hàng để từ đó giúp cảng nâng cao năng lực cạnh tranh. Bài báo sử dụng phương pháp định tính kết hợp với định lượng, sử dụng thang đo Likert 5 điểm và phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) để phân tích. Kết quả nghiên cứu cho thấy 6 yếu tố: cơ sở hạ tầng cảng, vị trí cảng, năng lực kết nối nội địa, chất lượng dịch vụ, chi phí logistics, độ tin cậy ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh cảng container từ đó giúp cho doanh nghiệp kinh doanh cảng container có các chính sách và quyết định để nâng cao năng lực cũng như lợi thế cạnh tranh.