Mục lục

Nâng cao hiệu năng tính toán trong bài toán đo năng lượng điện sử dụng thuật toán Goertzel

Trang: 143-157 Nguyễn Thanh Hải, Lê Thị Thúy Nga
Tóm tắt

Nghiên cứu tìm ra giải pháp tiết kiệm năng lượng đang là vấn đề được rất nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng thuật toán Goertzel để phân tích tín hiệu dòng điện và điện áp cấp cho tải, trên cơ sở đó tính ra công suất và điện năng tiêu thụ của tải. Việc sử dụng thuật toán Goertzel giúp làm giảm số phép tính nên phù hợp với nhiều dòng vi xử lý. Các nghiên cứu lý thuyết được kiểm chứng bằng mô phỏng bởi phần mềm Matlab và mô hình thiết bị thực sử dụng vi xử lý STM32F103C8T6. Hơn nữa, thực nghiệm đo công suất tiêu thụ một số tải cho thấy kết quả sử dụng thiết bị thử nghiệm tiệm cận với kết quả đo từ thiết bị thương mại Schneider Electric PM-2100.

Nghiên cứu mối tương quan thực nghiệm giữa cường độ chịu kéo khi uốn và mô đun đàn hồi của bê tông xi măng làm mặt đường

Trang: 158-165 Lương Xuân Chiểu, Nguyễn Quang Phúc, Chu Tiến Dũng
Tóm tắt

Mặt đường bê tông xi măng (BTXM) là loại mặt đường cấp cao, được sử dụng khá phổ biến cho giao thông đường bộ cũng như đường băng sân bay. Hiện nay, thiết bị FWD (Falling Weight Deflectometer)thường được dùng để đánh giá sức chịu tải của mặt đường BTXM. Tuy nhiên, phương pháp FWD sau khi xử lý chỉ xác định được mô đun đàn hồi của BTXM mà không xác định được cường độ chịu kéo khi uốn của BTXM. Trong khi đó cường độ chịu kéo khi uốn của BTXM là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng của mặt bê tông xi măng. Vì vậy, bài báo có mục tiêu xây dựng mối tương quan giữa cường độ chịu kéo khi uốn vàmô đun đàn hồicủa BTXM nhằm phục vụ cho công tác đánh giá kết cấu áo đường BTXM. Kết quả cho thấy, giữa cường độ chịu kéo khi uốn vàmô đun đàn hồi có mối quan hệ tuyến tính và mô hình đảm bảo sự tin cậy với R bình phương hiệu chỉnh là 66.0%.

Hiệu ứng hư hỏng dính bám trong mô hình uốn năm điểm dành cho mặt cầu thép trực hướng và lớp phủ bê tông nhựa

Trang: 166-179 Nguyễn Đình Hải, Trần Anh Tuấn
Tóm tắt

Bản mặt thép trực hướng được sử dụng rộng rãi cho cầu nhịp lớn, như cầu dây văng, cầu dây võng và cầu giàn, bởi trọng lượng bản thân nhẹ và đặc tính dẻo dai của nó. Trong loại mặt cầu này, kết cấu lớp phủ bê tông át phan được dùng để bảo vệ bản thép chống lại sự ăn mòn và tạo ra bề mặt êm thuận cho xe chạy. Tuy nhiên với sự tăng lên của tải trọng cũng như lưu lượng xe, biến dạng cục bộ, tải trọng gió, tác động của nhiệt độ làm cho kết cấu lớp phủ bê tông nhựa trên bản mặt cầu thép trực hướng bị phá hoại. Một trong nhưng hư hại chủ yếu đó là mất dính bám giữa lớp phủ và bản thép. Chính vì vậy mục đích chính của nghiên cứu này là phân tích ảnh hưởng của sự hư hỏng dính bám đến ứng xử cơ học của hệ thống mặt cầu thép có lớp phủ bằng bê tông nhựa bằng cách sử dụng mô hình dầm chịu uốn năm điểm. Sự hiểu biết rõ ràng về bài toán này là cần thiết cho việc hướng đến cải thiện tuổi thọ của toàn bộ kết cấu cầu.

Phân tích yếu tố ảnh hưởng đến trợ giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại hà nội - sử dụng dữ liệu toàn mạng 2011-2019

Trang: 180-192 Hà Thanh Tùng, Nguyễn Minh Hiếu
Tóm tắt

Trong những năm qua, trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt liên tục tăng tuy nhiên khối lượng vận chuyển có xu hướng giảm. Điều này dẫn tới những nghi ngờ về tính hiệu quả của công tác trợ giá. Phương pháp trợ giá hiện đang được áp dụng là theo km. Cách thức trợ giá này nhìn chung không gắn với kết quả tài chính của hoạt động vận tải là doanh thu. Do đó trợ giá cho hành khách có thể là 1 phương pháp khác cần xem xét. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành phân tích các yếu tố ảnh hưởng đối với trợ giá cho 1 km và 1 hành khách để tiến hành đối chiếu và phân tích. Ưu điểm của nghiên cứu này là sử dụng hồi quy thứ tự và dữ liệu toàn mạng trong 10 năm. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sự ảnh hưởng của các yếu tố đối với trợ giá cho 1 km và 1 hành khách là khác nhau. Trợ giá theo 1 hành khách thể hiện mối tương quan mang tính logic hơn tuy nhiên cách thức thống kê hành khách, đặc biệt hành khách sử dụng vé tháng cần phải được cải thiện.

Một lược đồ giấu tin thuận nghịch dựa theo phương pháp GePVOK

Trang: 193-203 Nguyễn Trọng Phúc, Cao Thị Luyên
Tóm tắt

Việc xác minh bản quyền cũng như tính toàn vẹn của dữ liệu số đã và đang là mối quan tâm hàng đầu, nhất là hiện nay việc truyền tải dữ liệu được thực hiện thông qua mạng Internet. Trong bài báo này, chúng tôi đề xuất lược đồ giấu tin thuận nghịch dựa trên thứ tự điểm ảnh của một khối ảnh nhằm xác thực ảnh số này có bị biến đổi trái phép trên đường truyền hay không. Trong lược đồ được đề xuất, mỗi khối con được chọn trước tiên được sắp xếp theo thứ tự tăng dần sau đó nhúng k bit dữ liệu mà không thay đổi thứ tự. Tiêu chí để lựa chọn các khối phẳng cũng được đề xuất trong bài báo này. Việc nhúng vào các khối phẳng đó làm cho chất lượng ảnh chứa tin tốt hơn. Kết quả thực nghiệm cho thấy lược đồ giấu tin thuận nghịch đề xuất có khả năng nhúng cao và chất lượng ảnh tốt so với các lược đồ có cùng phương pháp.

Thu hồi hợp chất đất hiếm từ nam châm NdFeB của ổ cứng máy tính thải và thăm dò khả năng ức chế ăn mòn đối với hợp kim nhôm

Trang: 204-214 Bùi Thị Thanh Huyền, Phạm Khánh Huy, Hà Duy Dũng, Vũ Thị Xuân
Tóm tắt

Việc thu hồi hợp chất đất hiếm từ nam châm của ổ cứng máy tính thải và từ đó chế tạo thành hỗn hợp muối đất hiếm dùng làm chất ức chế ăn mòn thân thiện môi trường cho kim loại là hướng nghiên cứu triển vọng. Nó có ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong nghiên cứu này, nam châm vĩnh cửu được thu thập từ các ổ cứng máy tính thải trên thị trường Việt Nam. Phương pháp thủy luyện kim được sử dụng để thu hồi hỗn hợp ôxít đất hiếm từ các nam châm vĩnh cửu. Bằng phương pháp phân tích EDX, ICP-MS và XRD cho thấy, sản phẩm hỗn hợp ôxít kim loại đất hiếm thu được có độ tinh khiết cao. Hàm lượng Nd chiếm >80% khối lượng các nguyên tố đất hiếm. Từ đó chế tạo muối clorua đất hiếm và bước đầu thăm dò khả năng ức chế ăn mòn của hỗn hợp muối này đối với ăn mòn hợp kim nhôm làm việc trong môi trường xâm thực mạnh như NaCl 3,5%. Hỗn hợp muối clorua đất hiếm chế tạo được thể hiện là chất ức chế hiệu quả đối với hợp kim nhôm trong môi trường NaCl 3,5%. Hiệu quả ức chế là ổn định và đều đạt trên 92% sau khoảng 168 ÷ 1344 giờ thử nghiệm bằng phương pháp tổn hao khối lượng.

Phân tích đặc trưng ngẫu nhiên của tần số dao động riêng của ô tô với nhiều tham số ngẫu nhiên

Trang: 215-226 Nguyễn Văn Thuần, Tạ Duy Hiển
Tóm tắt

Phân tích động lực học ô tô với các thông số ngẫu nhiên đã và đang là chủ đề được ưa thích nhiều năm qua vì nó có vai trò quan trọng trong độ êm dịu, an toàn ô tô và toàn bộ tính năng của ô tô. Nghiên cứu này, phân tích đặc trưng ngẫu nhiên tần số dao động của mô hình ô tô bằng cách tiếp cận phi thống kê. Phương trình dao động của mô hình ô tô có bốn bậc tự do được thiết lập bằng cách sử dụng phương trình Lagrange. Mô hình bốn bậc tư do được sử dụng để nghiên cứu ứng xử dao động tự do của ô tô với nhiều biến ngẫu nhiên. Giá trị trung bình và phương sai của các tần số riêng thu được bởi lời giải xấp xỉ bậc không và bậc nhất của phương trình dao động tự do có chứa biến ngẫu nhiên trong ma trận khối lượng và ma trận độ cứng của hệ. Phân tích ngẫu nhiên dao động cũng sử dụng phương pháp mô phỏng Monte Carlo (MCS) để kiểm chứng kết quả phương pháp phi thống kê. Những kết quả thu được của phương pháp phi thống kê và mô phỏng Monte Carlo hoàn toàn phù hợp.

Mô phỏng độ sâu hằn lún vệt bánh xe của mặt đường bê tông nhựa có xét tới tính đàn dẻo nhớt của mô hình vật liệu và phương pháp gia tải

Trang: 227-241 Lê Nguyên Khương
Tóm tắt

Trong hai thập kỷ qua, phương pháp phần tử hữu hạn (FEM) là công cụ hiệu quả giúp mô phỏng các ứng xử phi tuyến của kết cấu mặt đường nhựa mà lý thuyết đàn hồi nhiều lớp chưa giải quyết được. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu, mô phỏng sự xuống cấp của mặt đường bê tông nhựa dựa trên phần mềm mã nguồn mở Cast3M có sử dụng mô hình vật liệu Generalized Drucker–Prager (GD-P) trong đó các đặc tính cơ học của vật liệu, nhiệt độ môi trường và phương pháp gia tải trên mô hình được xét tới. Kết quả thu được là độ sâu hằn lún vệt bánh xe, các ứng suất và biến dạng dư dưới tác dụng của tải trọng trùng phục. Việc sử dụng hai phương án mô phỏng 2D biến dạng phẳng và 3D và các phương pháp gia tải khác nhau cho phép đánh giá ảnh hưởng của dạng mô hình tới kết quả tính cũng như tổng thời gian tính toán, từ đó đưa ra được một số khuyến cáo cho việc mô phỏng, kiểm tra và dự báo chiều sâu lún vệt bánh xe theo phương pháp phần tử hữu hạn. Kết quả nghiên cứu trình bày trong bài báo nằm trong mục tiêu phát triển công cụ đánh giá và dự báo các trạng thái hư hỏng của kết cấu mặt đường nhựa theo phương pháp phần tử hữu hạn, sử dụng mã nguồn mở Cast3M và các mô hình vật liệu phi tuyến có xét tới ứng xử đàn nhớt và đàn dẻo nhớt.