Mục lục

Thực nghiệm xác định lực dự ứng lực còn lại trong tà vẹt bê tông ứng suất trước

Trang: 97-105 Lê Hà Linh, Đỗ Anh Tú, Nguyễn Minh Hiếu, Lê Xuân Hùng, Nguyễn Tuấn Cường
Tóm tắt

Hiện nay tà vẹt bê tông dự ứng lực (TDƯL) được sử dụng rộng rãi thay thế cho tà vẹt gỗ trên đường sắt Việt Nam, và dùng nhiều trong đường sắt đô thị do những ưu điểm về cường độ, độ bền, giá thành, và bảo vệ môi trường tự nhiên. Tà vẹt BTDƯL sử dụng các sợi cáp cường độ cao nhằm tạo ra lực nén trước trong BT. Vì nhiều lý do, lực DƯL bị mất mát trong quá trình chế tạo và khai thác. Do đó cần có phương pháp xác định lực DƯL có hiệu còn lại trong tà vẹt ở thời điểm ngay sau khi chế tạo và ở thời điểm nào đó cần đánh giá trong quá trình khai thác. Bài báo trình bày một phương pháp thực nghiệm xác định lực DƯL còn lại trong tà vẹt thông qua thí nghiệm uốn 4 điểm. Một bộ mẫu gồm 03 tà vẹt khổ 1000 mm được thí nghiệm uốn cho đến khi xuất hiện vết nứt. Bằng việc gia tải lại cho đến khi vết nứt bắt đầu mở rộng, lực tới hạn được ghi lại và qua đó tính toán được lực DƯL còn lại trong tà vẹt. Phương pháp thí nghiệm này cho phép xác định được lực dự ứng lực còn lại trong cấu kiện tà vẹt BTDƯL nhằm đánh giá hiện trạng cũng như dự đoán được tuổi thọ còn lại của tà vẹt

Đánh giá đặc tính kháng nứt của stone matrix asphalt sử dụng phụ gia gốc copolymer styrence-butadiene-styrence (SBS)

Trang: 106-117 Nguyễn Ngọc Lân, Lã Văn Chăm, Nguyễn Tiến Việt, Kim Youngik, Nguyễn Kim Sơn
Tóm tắt

Hỗn hợp Stone Matrix Asphalt (SMA) là một loại bê tông asphalt tính năng cao được sử dụng cho những kết cấu mặt đường thường xuyên chịu tải trọng xe nặng hay mặt đường sân bay. Do SMA có cấu trúc tiếp xúc đá chèn đá và thành phần thường sử dụng phụ gia ổn định nên sức kháng hằn lún vệt bánh xe của hỗn hợp tăng lên. Có nhiều loại phụ gia được sử dụng cho hỗn hợp SMA và theo nhiều cách khác nhau, mỗi loại phụ gia sẽ có các tính năng ngắn hạn cũng như tính năng dài hạn khác nhau. Bài báo này đưa ra kết quả thực nghiệm đánh giá đặc tính kháng nứt của hỗn hợp SMA sử dụng phụ gia gốc copolymer styrene-butadiene-styrene (SBS) có tên thương mại là Rubber Modified Compound (RMC). Hai hỗn hợp đối chứng so sánh với hỗn hợp SMA sử dụng phụ gia RMC là hỗn hợp bê tông asphalt chặt và hỗn hợp SMA đều sử dụng bitum PMB III. Đặc tính kháng nứt được đánh giá bởi năng lượng phá hủy nứt (Gf), độ dốc đường cong quan hệ lực-chuyển vị sau phá hủy (|m75|), chỉ số kháng nứt (Cracking Tolerance Index - CTIndex) của thí nghiệm kéo gián tiếp. Kết quả thực nghiệm cho thấy rằng, hỗn hợp SMA sử dụng phụ gia RMC có đặc tính kháng nứt cao hơn so với hỗn hợp bê tông asphalt chặt, nhưng thấp hơn so với hỗn hợp SMA sử dụng bitum PMB III

Nghiên cứu mô đun cắt của đất cát ven biển tỉnh Quảng Bình bằng thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn, thí nghiệm ba trục động theo chu kỳ và thí nghiệm địa chấn

Trang: 118-131 Đặng Hồng Lam, Phí Hồng Thịnh
Tóm tắt

Mô đun cắt đóng vai trò quan trọng trong việc mô hình hóa ứng xử của đất, đặc biệt là trong các kết cấu biến dạng nhỏ như móng của thiết bị rung, móng tuabin gió, móng cầu, tường chắn, hầm, v.v. Đã có nhiều nghiên cứu về mô đun cắt phụ thuộc vào biến dạng cắt cho phép ở trên thế giới, tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu ở Việt Nam, đặc biệt là khi biến dạng nhỏ. Trong bài báo này, để nghiên cứu mối quan hệ giữa mô đun cắt với biến dạng cắt cho phép, nhóm tác giả đã sử dụng thí nghiệm địa chấn và thí nghiệm ba trục động theo chu kỳ được thực hiện trên đất cát ven biển tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Kết quả xác định mô đun cắt được so sánh với giá trị điển hình trong các tài liệu nghiên cứu trước đây để làm phong phú thêm cơ sở dữ liệu hiện có về mô đun cắt của đất cát ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy tương quan giữa mô đun cắt của đất cát ven biển tỉnh Quảng Bình và biến dạng cắt nằm tiệm cận với giới hạn dưới của đường cong biểu diễn tương quan điển hình

Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của một số loại cốt liệu có nguồn gốc từ đá mácma đến các đặc tính của bê tông nhựa polymer SBS

Trang: 132-146 Trần Ngọc Hưng, Trần Trung Hiếu
Tóm tắt

Cốt liệu mỏ đá Sunway-Quốc Oai đã được biết đến và sử dụng rộng rãi cho bê tông nhựa polymer ở Việt Nam. Việc đánh giá sự khác biệt cũng như hiệu quả sử dụng các loại cốt liệu đá khác thay thế cho đá Sunway là cần thiết, đặc biệt là giúp hiểu rõ hơn về đặc tính thành phần hóa học và đặc tính cơ lý của cốt liệu cũng như của hỗn hợp bê tông nhựa. Bài báo tiến hành nghiên cứu thực nghiệm, chỉ ra khả năng sử dụng cốt liệu đá ở mỏ Khau Đêm-Lạng Sơn thay thế cho cốt liệu đá ở mỏ Sunway-Quốc Oai truyền thống cho sản xuất hỗn hợp bê tông nhựa polymer phụ gia Copolymer SBS. Thành phần khoáng vật của hai mẫu đá Khau Đêm và Sunway có sự tương đồng cao, đều là loại đá mácma có tính bazơ mạnh, với hàm lượng SiO2 tương ứng 43,17% và 45,24% sau khi được phân tích bằng phương pháp phổ tán sắc năng lượng tia X (XRF). BTNP12,5-Sunway và BTNP12,5-Khau Đêm qua kết quả thí nghiệm và phân tích thống kê cho thấy sự tương đương nhau về các chỉ tiêu Marshall và khả năng kháng hằn vệt bánh xe. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ phù hợp cao của một số loại đá mácma sử dụng cho hỗn hợp bê tông nhựa polymer ở Việt Nam

Thí nghiệm xác định modun đàn hồi theo phương dọc và hệ số nở ngang của vật liệu polyme gia cường sợi thủy tinh (GFRP)

Trang: 147-159 Nguyễn Tiến Thủy, Nguyễn Tuấn Anh
Tóm tắt

Vật liệu polyme gia cường sợi thủy tinh (GFRP) là vật liệu mới được sử dụng thương mại từ 1970 và ngày càng xuất hiện nhiều trong công trình xây dựng. Tiêu chuẩn thiết kế cho GFRP đang được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao. Việc hoàn thiện tiêu chuẩn thiết kế cần nhiều số liệu thực nghiệm về tính chất vật liệu, ứng xử kết cấu dưới các điều kiện tải trọng để đề xuất các công thức và hệ số thiết kế phù hợp và an toàn. Modun đàn hồi và hệ số nở ngang là các giá trị quan trọng, sử dụng thường xuyên trong thiết kế. Bài báo này trình bày thí nghiệm xác định modun đàn hồi theo phương dọc và hệ số nở ngang bằng phương pháp thực nghiệm. Kết quả cho thấy modun đàn hồi trên bản cánh và bản bụng là không giống nhau và có khác biệt tương đối lớn. Ngoài ra, các giá trị thực nghiệm đền lớn hơn từ 27-43% so với modun đàn hồi theo đề xuất của nhà sản xuất. Với hệ số nở ngang, giá trị thực nghiệm tìm được tiệm cận với giá trị của nhà sản xuất cung cấp

Khảo sát phân tích cục bộ khu vực neo dầm cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành với mô hình phi tuyến phương pháp phần tử hữu hạn

Trang: 160-174 Đặng Việt Đức
Tóm tắt

Cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành nằm ở vị trí giao thoa của các địa điểm văn hóa tâm linh nên dự án được chủ ý thiết kế với hình dáng đặc biệt để tạo điểm nhấn về mặt kiến trúc. Do có hình dáng đặc biệt với chiều rộng cầu lớn, chỉ áp dụng một mặt phẳng dây, vị trí neo dầm đặt chính giữa và gần phía trên bản mặt cầu, phân bố uốn ngang của dầm cầu sẽ rất lớn đặc biệt là xung quanh vị trí bố trí neo. Với sự kết hợp của phân bố ngang lớn do tĩnh tải dầm, hệ thống DƯL ngang và lực tập trung lớn theo phương đứng xiên của hệ thống dây cáp treo, khu vực neo của cáp treo sẽ có phân bố cục bộ rất phức tạp. Trong bài bài báo này, áp dụng mô hình phi tuyến phương pháp Phần tử hữu hạn, tác giả khảo sát sự làm việc cục bộ của dầm cầu khu vực thiết kế neo cáp treo. Kết quả nghiên cứu góp phần đảm bảo sự an toàn trong quá trình thi công và khai thác của kết cấu công trình

Ảnh hưởng của phụ gia tái sinh đến độ kim lún và nhiệt độ hoá mềm của bitum hỗn hợp

Trang: 175-185 Trương Văn Quyết, Nguyễn Ngọc Lân, Đào Văn Đông, Phạm Minh Trang
Tóm tắt

Xu hướng sử dụng vật liệu mặt đường bê tông asphalt tái chế (Reclaimed Asphalt Pavement - RAP) để sản xuất bê tông asphalt đang ngày càng trở nên phổ biến ở trên thế giới vì những lợi ích mang lại về kỹ thuật, kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, khi hàm lượng RAP cao được sử dụng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các tính năng của hỗn hợp. Do vậy, phụ gia tái sinh thường được sử dụng để cải thiện các tính chất của bitum và hỗn hợp bê tông asphalt tái chế. Bài báo trình bày nghiên cứu ảnh hưởng của loại và hàm lượng phụ gia tái sinh đến chỉ tiêu độ kim lún và nhiệt độ hoá mềm của bitum. Các loại bitum được đánh giá bao gồm bitum mới, bitum cũ thu hồi từ vật liệu bê tông asphalt tái chế -RAP) và bitum hỗn hợp (bao gồm bitum mới, bitum cũ thu hồi từ RAP với tỷ lệ bitum tái chế (Recycled Binder Ratio - RBR) là 0,3 và phụ gia tái sinh). Hai loại phụ gia tái sinh được sử dụng trong nghiên cứu là phụ gia tái sinh gốc dầu mỏ (HS1), và phụ gia tái sinh gốc dầu thực vật (Prephalt@FBK) với các hàm lượng dùng từ 0% ; 4,0% ; 8,0% và 12,0% theo khối lượng bitum cũ thu hồi từ RAP. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của phụ gia tái sinh trong việc khôi phục lại các tính chất vật lý của bitum. Để đạt được yêu cầu về chỉ tiêu độ kim lún và nhiệt độ hoá mềm như bitum mới 60/70, khoảng hàm lượng phụ gia tái sinh được xác định là khoảng 9,0% với phụ gia tái sinh HS1 và khoảng 5,0% với phụ gia tái sinh Prephalt@FBK

Nghiên cứu thực nghiệm xác định cường độ chịu kéo của lưới sợi các bon trong bê tông cốt lưới dệt khi chịu tải trọng kéo và nén đồng thời

Trang: 186-198 Hồ Thị Hoài, Đinh Hữu Tài, Nguyễn Huy Cường, Phạm Thị Thanh Thủy
Tóm tắt

Hiện nay, bê tông cốt lưới dệt (BTCLD) là một trong những phương pháp hữu hiệu được ứng dụng để gia cường kết cấu bê tông cốt thép (BTCT). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rất khó để xác định cường độ chịu kéo của lưới sợi dệt khi BTCLD tham gia chịu lực tại vị trí có ứng suất phức tạp, nhiều chiều như góc dầm, góc cột. Trong bài báo này, tác giả trình bày nghiên cứu thực nghiệm để xác định cường độ chịu kéo của cốt lưới dệt các bon bị uốn cong trong các mẫu BTCLD hình ô van có đường kính cong khác nhau khi chịu tải trọng kéo và nén đồng thời. Kết quả cho thấy tất cả các mẫu thí nghiệm đều bị phá hoại trong vùng cong. Cường độ chịu kéo trung bình của lưới sợi dệt bị uốn cong trong BTCLD khi chịu tải trọng kéo và nén đồng thời chỉ đạt từ 33% đến 48% giá trị cường độ chịu kéo lý thuyết của lưới sợi trần. Nguyên nhân của sự suy giảm cường độ của cốt lưới dệt là do lưới sợi bị uốn cong và ảnh hưởng của tải trọng nén tác dụng lên mẫu. Thí nghiệm được đề xuất trong bài báo góp phần phát triển các mô hình thực nghiệm để xác định các đặc tính cơ học của bê tông cốt lưới dệt khi gia cường cho kết cấu BTCT

Nghiên cứu ứng dụng QGIS để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý chất thải rắn sinh hoạt thành phố Lào Cai theo định hướng nền kinh tế tuần hoàn

Trang: 199-215 Vũ Kim Hạnh, Đoàn Danh Cường, Vũ Văn Khoát
Tóm tắt

Tại các đô thị, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ngày càng gia tăng cùng với tốc độ gia tăng dân số và đô thị hóa. Bài báo trình bày kết quả khảo sát và đánh giá hiện trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn 10 phường thuộc thành phố Lào Cai, từ đó đưa ra các đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đạt 96,85%, tỷ lệ thu gom đạt 95-97%. Tỷ lệ CTRSH được tái chế, tái sử dụng, sản xuất phân bón hoặc thu hồi năng lượng tại TP Lào Cai đạt 63%, còn lại 37% được chôn lấp tại Bãi chôn lấp CTR thôn Toòng Mòn, xã Đồng Tuyển. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất triển khai ứng dụng công nghệ QGIS hỗ trợ việc sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có vào công tác giám sát phân loại CTRSH, quản lý thu gom, lập bản đồ thu gom CTR. Việc làm này nhằm tối ưu hoá tuyến đường thu gom vận chuyển và giảm chi phí thu gom, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH theo định hướng kinh tế tuần hoàn

Nghiên cứu đề xuất tỉ lệ thành phần vật liệu của bê tông geopolymer sử dụng cát biển bằng phương pháp quy hoạch thực nghiệm

Trang: 216-229 Đặng Thùy Chi, Trịnh Hoàng Sơn
Tóm tắt

Các nghiên cứu về bê tông geopolyme (GPC) sử dụng cát biển trên thế giới mới được phát triển khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, các nghiên cứu về GPC sử dụng cát mặn hiện còn khá sơ khai, chưa đánh giá hết tiềm năng của việc ứng dụng loại vật liệu này trong xây dựng hạ tầng ven biển. Nghiên cứu này sử dụng cát lấy từ bờ biển Cửa Lò, Nghệ An nhằm bước đầu đánh giá khả năng chế tạo GPC chịu lực từ các nguồn vật liệu nhiễm mặn không qua xử lý bằng phương pháp quy hoạch thực nghiệm. Kết quả đã đề xuất ra 03 thành phần cấp phối của GPC tương ứng cấp 15, 25, 35 MPa. Như vậy có thể thấy được triển vọng của việc thay thế cát vàng trong chế tạo bê tông chịu lực bằng cát biển, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn cát phong phú và giảm khai thác lượng cát vàng đang ngày càng cạn kiệt

Sử dụng phần tử hữu hạn tiếp xúc mô phỏng sự làm việc của lớp cách ly mặt đường bê tông xi măng

Trang: 230-241 Phạm Đức Thọ, Trần Nam Hưng
Tóm tắt

Để làm giảm ứng suất nhiệt trong tấm bê tông xi măng mặt đường ô tô lớp cách ly giữa đáy tấm và lớp móng đường được sử dụng để làm giảm lực ma sát và lực dính đáy tấm đến một giá trị nào đó. Trong tính toán tấm bê tông xi măng mặt đường cứng hiện nay ở Việt Nam, thường giả thiết giữa tấm và nền hoặc là không có ma sát hoặc là dính chặt với nhau. Điều này sẽ dẫn đến kết quả nhận được không phản ánh sát sự làm việc thực tế của mặt đường. Dựa trên phương pháp phần tử hữu hạn, bài báo này trình bày một khảo sát số trạng thái ứng suất-biến dạng tấm bê tông xi măng mặt đường có kể đến ứng xử của lớp cách ly. Trong đó, lớp cách ly được mô hình hóa bằng phần tử tiếp xúc Goodman. Phần tử tiếp xúc này có thể mô phỏng được lực ma sát và lực dính đáy tấm. Kết quả cho thấy, khi tính đến ứng xử của lớp cách ly, trạng thái ứng suất-biến dạng trong tấm có sự thay đổi khá lớn so với giả thiết tấm và nền dính chặt. Do vậy, khi mô hình hóa tấm bê tông xi măng mặt đường ô tô, việc kể đến lớp cách ly là cần thiết để phản ánh sát hơn điều kiện làm việc thực tế của mặt đường, và trong quá trình đó có thể sử dụng phần tử hữu hạn tiếp xúc để mô phỏng lớp cách ly này