Mục lục

Nghiên cứu ứng dụng trạm tham chiếu hoạt động liên tục trong khảo sát và bố trí tuyến đường

Trang: 604-613 Lê Văn Hiến, Lê Minh Ngọc, Trần Đức Công
Tóm tắt

Trạm tham chiếu hoạt động liên tục (trạm CORS) đã được xây dựng và đang hoàn thiện mật độ phủ trùm từ Bắc vào Nam để phục vụ cho công tác đo đạc trắc địa tại Việt Nam. Hiện nay, trạm CORS đang được nghiên cứu, khảo sát để ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực đo đạc khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng công trình. Bài báo này nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ trạm CORS trong khảo sát và bố trí tuyến đường. Một tuyến đường thuộc dự án thực tế đã được sử dụng để khảo sát độ chính xác của ứng dụng công nghệ trạm CORS trong công tác khảo sát thành lập bản đồ tỷ lệ lớn và công tác bố trí tuyến thuộc giai đoạn thi công. Kết quả đo bằng trạm CORS được đối sánh với tiêu chuẩn kỹ thuật quy định độ chính xác cho từng hạng mục tương ứng và các phương pháp đo đạc truyền thống để đánh giá độ chính xác, từ đó đề xuất khả năng ứng dụng công nghệ này trong khảo sát và bố trí tuyến đường. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ đo bằng trạm CORS đảm bảo độ chính xác thành lập bản đồ tỷ lệ lớn và bố trí tuyến đường. Thông qua thực nghiệm, ứng dụng trạm CORS thể hiện rõ rệt tính hiệu quả của công tác đo ngoại nghiệp so với các phương pháp truyền thống.

Mô hình hóa và mô phỏng sự lan truyền vết nứt trong vật liệu trực hướng bằng phương pháp trường pha

Trang: 614-629 Vũ Bá Thành, Nguyễn Xuân Lam
Tóm tắt

Hiện nay, vật liệu trực hướng được sử dụng phổ biến để gia cường kết cấu cầu và vỏ xe ô tô do độ bền theo phương chịu lực và độ cứng lớn, trong khi trọng lượng của chúng nhỏ. Trong bài báo này, chúng tôi sử dụng phương pháp trường pha để mô phỏng hư hỏng và hướng lan truyền vết nứt của loại vật liệu này thông qua hai loại vật liệu gốc nhựa epoxy chứa cốt sợi song song Carbon (Carbon-epoxy) và thủy tinh (Glass-epoxy). Loại vật liệu này chỉ có ba trục đối xứng trực giao với nhau, trong đó, đặc tính vật liệu dọc theo trục hướng sợi lớn hơn nhiều so với đặc tính theo hai trục còn lại. Phương pháp trường pha trong nghiên cứu này được bổ sung một số điểm mới như: (i) một ten-xơ định hướng dùng để đại diện cho sự phát triển hư hỏng của hướng sợi trong vật liệu. Ten-xơ định hướng này được đưa vào phương pháp trường pha để dự đoán sự khởi tạo và lan truyền vết nứt trong vật liệu nêu trên; (ii) một dạng của phân rã ten-xơ biến dạng thỏa mãn điều kiện trực giao được áp dụng vào phương pháp đề xuất để nâng cao sự chính xác của ứng xử vật liệu. Thông qua một vài ví dụ số, các kết quả đạt được so sánh với các kết quả thực nghiệm và phân tích lý thuyết trong các nghiên cứu liên quan để kiểm chứng tính hiệu quả của phương pháp về khả năng dự đoán hư hỏng của vật liệu trực hướng

Một số đặc tính kỹ thuật của bê tông sử dụng tro bã mía đã xử lý thay thế một phần xi măng

Trang: 630-646 Lê Đức Hiển, Sheen Yeong-Nain
Tóm tắt

Sản xuất xi măng từ clinker thải ra nhiều khí cacbonic (CO2) vào khí quyển, gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng kết hợp vật liệu phụ gia khoáng, có nguồn gốc từ phụ phẩm của quá trình sản xuất công, nông nghiệp như xỉ lò cao nghiền mịn, tro bay, tro trấu…với xi măng góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Tro bã mía (SBA) một phế phẩm của quá trình đốt bã mía trong lò cao, là một vật liệu có thể sử dụng với mục đích như vậy. Trong bài báo này, tro bã mía, sau khi nung ở nhiệt độ 700 oC trong 1 giờ, được dùng thay thế xi măng với các tỷ lệ khối lượng khác nhau (5%, 10%, 15% và 20%) để chế tạo bê tông. Mẫu vật liệu tro được phân tích đặc tính lý hóa, và một số đặc tính kỹ thuật của bê tông được khảo sát. Kết quả cho thấy, vật liệu SBA chứa nhiều thành phần silic hoạt tính, có cấu trúc vô định hình. Thay thế xi măng bởi SBA từ 10% khối lượng trở lên làm cho tính công tác của bê tông giảm nhanh. Tăng dần tỷ lệ SBA trong hỗn hợp dẫn đến giảm dần cường độ chịu kéo, nén ở tất cả các thời điểm thí nghiệm. Ngoài ra, độ hút nước của các cấp phối bê tông sau 91 ngày tuổi không có sự thay đổi lớn. Cường độ kéo, nén của bê tông chứa vật liệu SBA được xác nhận có quan hệ tỷ lệ nghịch với độ rỗng bên trong cấu trúc

Phát triển hệ thống phối hợp nguồn động lực xe hybrid sử dụng bộ CVT

Trang: 647-660 Khổng Vũ Quảng, Lê Đăng Duy, Trần Văn Đăng, Trần Đăng Quốc
Tóm tắt

Ô tô hybrid được coi là giải pháp hiệu quả trong quá trình chuyển đổi từ ô tô truyền thống sang ô tô điện. Trong đó, phối hợp giữa nguồn động lực động cơ đốt trong (ĐCĐT) với động cơ điện (ĐCĐ) đóng vai trò quan trọng và quyết định tính năng kỹ thuật và phát thải của xe. Nhiều phương pháp phối hợp nguồn động lực đã được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thực tế. Điển hình và chiếm ưu thế phải kể đến phương pháp phối hợp kiểu hỗn hợp. Tuy nhiên phương án này có kết cấu phức tạp và hiệu suất chưa cao. Để cải thiện hiệu quả phối hợp nguồn động lực ô tô hybrid, bài báo này sẽ nghiên cứu phát triển một mô hình hệ thống phối hợp nguồn động lực ô tô hybrid có sự kết hợp giữa hộp số vô cấp (CVT) với ly hợp một chiều bằng phần mềm AVL-Cruise. Các kết quả nghiên cứu cho thấy nhiên liệu tiêu thụ giảm 74,9% khi chạy theo chu trình thử UDC (Urban Driving Cycle) khi so sánh với xe truyền thống