Trang: 1934-1947 Nguyễn Thìn Quỳnh, Lê Hoài Đức, Nguyễn Cao VănTóm tắtVấn đề giảm phát thải và tăng hiệu suất được quan tâm rộng rãi nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn khí xả ngày càng ngặt nghèo với động cơ diesel. Trong các giải pháp đang được nghiên cứu, áp dụng thì tăng áp suất phun nhiên liệu là một giải pháp có triển vọng được áp dụng trong thực tế. Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của kết cấu và áp suất phun nhiên liệu tới lượng phun cũng như ảnh hưởng của áp suất tới sự phát triển của tia nhiên liệu được trình bày. Các kết quả chỉ ra rằng, áp suất phun nhiên liệu đạt tới 300 MPa khi áp dụng giải pháp thiết kế lại kết hợp với sự tăng cường thuộc tính của vật liệu chế tạo kim phun. Bên cạnh đó, các kết quả nhận được cũng thể hiện rằng, góc nón chùm tia có xu hướng giảm khi tăng áp suất phun nhiên liệu. Do ảnh hưởng của áp suất và sai số hình học của các lỗ kim phun mà lượng nhiên liệu và bề rộng của các tia là không giống nhau. Ngoài ra, áp suất càng tăng thì càng làm cho góc nón chùm tia giảm xuống, tia phun dài hơn và nhanh chóng đạt tới trạng thái ổn định
Trang: 1948-1962 Đinh Văn Hiệp, Trần Văn Châu, Nguyễn Hoàng Hải, Đinh Nhật Phương, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Phương ThảoTóm tắtTrong những năm qua, trợ giá cho xe buýt ngày càng tăng trong khi sản lượng hành khách lại có dấu hiệu sụt giảm cùng với hạ tầng xe buýt xuống cấp tại các thành phố lớn của Việt Nam. Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt được xem là hiệu quả để thu hút và gia tăng số lượng người sử dụng. Để làm được điều này, mức giá vé cần được nghiên cứu phù hợp để doanh nghiệp vận tải tăng doanh thu và từ đó sẽ cải thiện phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Do vậy, nghiên cứu này áp dụng phương pháp độ co giãn giá vé để phân tích, đánh giá phản ứng của hành khách khi có sự thay đổi về giá vé xe buýt. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu khảo sát điều tra xã hội học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích cho thấy số lượng người sử dụng không biến động khi tăng giá vé (giá trị độ co giãn giá vé trung bình là 0,47 và thay đổi với từng nhóm đối tượng hành khách trong khảo sát). Kết quả nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị cho việc xác định giá vé phù hợp để vừa đảm bảo hấp dẫn người đi xe buýt, vừa giúp cho doanh nghiệp gia tăng nguồn tài chính nhằm duy trì chất lượng vận hành hiệu quả, và cuối cùng là giảm bớt áp lực về ngân sách trợ giá
Trang: 1963-1978 Phạm Huy Khương, Đỗ Đức Tuấn, Nguyễn Đức ToànTóm tắtTrong ngành đường sắt, để tính toán sức kéo và xác định khối lượng kéo đoàn tàu, cần biết các lực tác dụng lên đoàn tàu trong quá trình vận hành, trong đó có lực cản cơ bản của đầu máy và toa xe. Lực cản cơ bản được xác định thông qua lực cản cơ bản đơn vị. Lực cản cơ bản đơn vị được tính toán thông qua các biểu thức xây dựng trên cơ sở thực nghiệm và được áp dụng cho từng loại đầu máy, toa xe cụ thể. Cho đến nay, trong ngành đường sắt Việt Nam, chưa có điều kiện thử nghiệm để xác định các biểu thức tính toán lực cản cơ bản đơn vị cho đầu máy và toa xe. Vì vậy, việc tính toán sức kéo đều dựa vào các biểu thức thực nghiệm của nước ngoài, khá đa dạng và có những khác biệt đáng kể. Việc sử dụng các biểu thức đó trong quá trình tính toán chưa có sự thống nhất, dẫn đến những khác biệt trong kết quả tính toán. Nội dung bài viết này nhằm tổng hợp, phân tích các mô hình tính toán sức cản cơ bản đơn vị của toa xe hàng từ các nguồn khác nhau, từ đó thiết lập các biểu thức tính toán sức cản cơ bản đơn vị cho các loại toa xe hàng sử dụng trong ngành đường sắt Việt Nam theo các mô hình khác nhau, từ đó đánh giá ảnh hưởng của chúng đến khối lượng kéo của đoàn tàu. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để đề xuất một số nội dung cho việc xây dựng lại quy trình sức kéo đường sắt Việt Nam
Trang: 1979-1987 Trần Thị Cẩm Hà, Nguyễn Quang Phúc, Lương Xuân ChiểuTóm tắtNhiệt độ trong các lớp bê tông nhựa ảnh hưởng rất lớn đến cường độ của kết cấu mặt đường. Khi đo độ võng mặt đường bằng cần Benkelman theo TCVN 8867:2011, nhiệt độ mặt đường bê tông nhựa (BTN) được xác định ở vị trí độ sâu 40 mm tính từ bề mặt đường. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu xây dựng mô hình phân bố nhiệt độ trong các lớp BTN để giảm thời gian thí nghiệm, tránh việc phải đục các lỗ trên mặt đường. Ở Việt Nam, đã có nghiên cứu xây dựng mô hình dự đoán phân bố nhiệt trong lớp BTN ở khu vực Đà Nẵng. Bài báo trình bày kết quả xây dựng mô hình dự đoán phân bố nhiệt trong lớp BTN phục vụ cho thí nghiệm đo độ võng đàn hồi bằng cần Benkelman ở khu vực Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình hồi quy thực nghiệm dự đoán nhiệt độ BTN ở các độ sâu H (mm) dựa vào nhiệt độ bề mặt BTN có độ tin cậy cao (R2 = 99,79%) có thể tham khảo khi đo độ võng đàn hồi bằng cần Benkelman
Phân tích ứng xử động của móng cọc đơn khi cánh quạt của trụ điện gió bị gãy
Trang: 1988-1999 Huỳnh Văn QuânTóm tắtDo tính chất quan trọng trong khai thác mà các công trình điện gió thường được thiết kế với mức độ an toàn và tin cậy gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, các sự cố bất thường, như gãy cánh quạt trong quá trình khai thác, vẫn có thể xảy ra. Bài báo phân tích ứng xử động của móng cọc đơn do sự cố gãy cánh quạt điện gió gây ra. Lực và mô-men phát sinh do cánh quạt bị gãy được tổ hợp đến đỉnh móng, các giá trị này rất lớn vì trụ tháp cao và cánh quạt nặng. Bài báo đề xuất một mô hình giản đơn để phân tích cho móng cọc đơn. Mô hình này là một thanh cứng tuyệt đối, có chuyển động tính tiến ngang và xoay của vật rắn chuyển động song phẳng. Chuyển động của mô hình móng được mô tả bằng hệ phương trình vi phân vật chuyển động song phẳng và tích phân bằng công cụ Matlab-Simulink. Trong tính toán số, bài báo khảo sát trụ điện gió có công suất 5 MW đặt trên hệ móng cọc đơn với đất nền nhiều lớp. Chuyển vị ngang và góc xoay theo thời gian của mô hình móng được lượng hóa tương ứng với bốn trường hợp cánh quạt bị gãy. Giá trị cực đại của các phản ứng có độ lệch lớn nhất là 7,01% khi so sánh với kết quả phân tích từ phương pháp phần tử hữu hạn thông qua phần mềm FP-Multipier
Trang: 2000-2014 Phạm Hồng Quân, Hồ Xuân Nam, Mai Đức Anh, Nguyễn Thị Cẩm NhungTóm tắtGiám sát sức khỏe công trình cầu bằng các biến thể nâng cấp của mạng hồi quy RNN (Recurrent Neural Network) trong xử lý dữ liệu chuỗi đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế. Bài báo này đề xuất sử dụng GRU (Gated Recurrent Unit), một biến thể cải tiến của RNN, để phát hiện và xác định vị trí hư hỏng trong kết cấu cầu thông qua dữ liệu chuỗi thời gian từ các cảm biến ảo. Dữ liệu này được trích xuất từ một mô hình số của cầu D2, được cập nhật dựa trên dữ liệu đo bằng cáp quang. Bộ dữ liệu được đưa vào mô hình GRU, được thiết kế đặc biệt để phân loại các nhãn hư hỏng tương ứng với dữ liệu đầu vào. Hiệu suất của mô hình GRU được so sánh với RNN truyền thống. Kết quả cho thấy cả RNN và GRU đều có khả năng làm việc trên tập dữ liệu, tuy nhiên GRU vượt trội hơn với độ chính xác trên tập kiểm tra và kiểm thử lần lượt là 81,8% và 84,3%. Điều này chứng minh rằng mô hình GRU đề xuất có khả năng chẩn đoán nhanh chóng và chính xác các trường hợp hư hỏng có thể xảy ra trong kết cấu cầu