Mục lục

Nghiên cứu ảnh hưởng của loại đất và hàm lượng đất đến tính công tác và cường độ chịu nén của bê tông đất

Trang: 695-708 Nguyễn Tiến Dũng, Bùi Thị Loan
Tóm tắt

Bê tông đất là một loại vật liệu xây dựng mới và có nhiều ưu điểm so với bê tông truyền thống. Nghiên cứu này sử dụng hai loại đất có thành phần hạt, thành phần khoáng vật hoàn toàn khác nhau. Hàm lượng đất sử dụng trong phạm vi từ 10% đến 20% (theo tổng khối lượng cua hỗn hợp xi măng, đất và cốt liệu). Các kết quả thí nghiệm cho thấy tính công tác của cả 2 loại bê tông đất đều kém hơn so với của bê tông đối chứng. Đồng thời, hàm lượng đất càng tăng thì tính công tác lại càng giảm. Xu hướng biến đổi cường độ của hai loại bê tông đất này là hoàn toàn trái ngược nhau. Với cùng một hàm lượng xi măng sử dụng, bê tông đất sử dụng đất có hàm lượng sét lớn và thành phần hạt tương đương cát mịn có cường độ chịu nén thấp hơn bê tông đối chứng, đồng thời hàm lượng đất càng tăng thì cường độ chịu nén của bê tông đất lại càng giảm. Bê tông đất sử dụng loại đất có hàm lượng sét ít và thành phần hạt mịn (gần tương đương xi măng) cho cường độ chịu nén cao hơn bê tông đối chứng. Các kết quả của nghiên cứu này cho thấy tính khả thi của việc sử dụng bê tông đất cho các công trình xây dựng tại Việt Nam

Thực nghiệm và mô phỏng ứng xử chịu kéo của bê tông siêu tính năng

Trang: 709-717 Hoàng Việt Hải
Tóm tắt

Bê tông siêu tính năng (UHPC) có tính năng cơ học vượt trội so với bê tông thông thường đặc biệt là khả năng chịu kéo đang là đối tượng của nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về ứng xử kéo của loại vật liệu này. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu thực nghiệm và mô hình số đánh giá ứng xử kéo của mẫu bê tông siêu tính năng (UHPC). Thực nghiệm ứng xử chịu kéo được tiến hành theo trên mẫu kéo trực tiếp. Mô hình số được thực hiện bằng phương pháp phần tử hữu hạn FEA, trong đó vật liệu UHPC sử dụng mô hình bê tông phá hoại dẻo (concrete damage plasticity model, CDPL). Mô hình CDP có sự tương đồng rất lớn khi so sánh đường quan hệ ứng suất – biến dạng thu được từ mô hình số với thực nghiệm, đây được xem là mô hình phù hợp khi ứng dụng để mô hình hoá ứng xử cơ học vật liệu UHPC. Bê tông UHPC với hàm lượng cốt sợi thép 2% theo thể tích sử dụng các loại vật liệu sẵn có ở Việt Nam được sử dụng trong nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu được so sánh giữa thực nghiệm và mô phỏng số nhằm đánh giá về sự phù hợp của mô hình CDP để nghiên cứu ứng xử chịu kéo của bê tông UHPC trong các nghiên cứu tiếp theo

Áp dụng phương pháp đồng nhất hóa vật liệu dự báo tính chất cơ điện từ của vật liệu tổng hợp hai pha

Trang: 718-734 Nguyễn Tiến Thế, Nguyễn Lương Thiện
Tóm tắt

Vật liệu composite với hai pha áp điện và áp từ (MEE) được sử dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày cũng như các ngành trong công nghiệp. Việc nghiên cứu các tính chất cơ lý của loại vật liệu này rất được chú trọng từ hai thập kỉ nay, để phát triển những vật liệu thông minh ứng dụng cho nhiều ngành công nghiệp. Vật liệu MEE là sự kết hợp giữa vật liệu áp điện và vật liệu áp từ. Đặc tính đặc trưng của nó là sự thay đổi các tính chất cơ lý áp điện bởi từ trường và ngược lại. Việc xác định các tính chất cơ lý ở cấp độ vật liệu vĩ mô (hệ số dẫn điện, dẫn từ, hệ số điện – từ...) luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, tính toán và phát triển loại vật liệu này. Trong bài báo này, tác giả sử dụng phương pháp giải tích dựa trên nguyên lý trung bình và phương pháp đồng nhất hóa đề tìm ra ứng xử của vật liệu composite 2 pha áp điện và áp từ ở cấp vĩ mô. Nghiên cứu cũng đưa ra được các công thức tính các hệ số cơ lý ở dạng vĩ mô: như hệ số độ cứng, hệ số áp điện, hệ số áp từ hệ số điện – từ, ở 2 dạng vật liệu là dạng lớp và sợi

Xây dựng chương trình kiểm định giả thuyết thống kê có tham số, hai mẫu trong đánh giá độ tin cậy của phương tiện đường sắt

Trang: 735-751 Nguyễn Đức Toàn, Đỗ Đức Tuấn
Tóm tắt

Trong quá trình đánh giá độ tin cậy của các đối tượng nói chung và phương tiện đường sắt nói riêng, cần xác định các đặc trưng của mẫu như giá trị trung bình, phương sai, độ lệch chuẩn, hệ số biến động v.v. Khi sử dụng mẫu được chọn ra từ một tổng thể, các đặc trưng này được sử dụng để ước lượng các đặc trưng tương ứng của tổng thể. Hay nói khác, các thông tin của nó có thể mô tả được đặc điểm của tổng thể, hoặc cũng có thể sử dụng để đánh giá một phỏng đoán hoặc một giả thuyết đã được giả định đối với tổng thể đó. Nói một cách khác, các đặc trưng của mẫu, ngoài việc sử dụng để ước lượng các đặc trưng của tổng thể còn được dùng để đánh giá xem một giả thuyết nào đó của tổng thể là đúng hay sai. Việc tìm ra kết luận để bác bỏ hay chấp nhận một giả thuyết được gọi là kiểm định giả thuyết. Bài toán kiểm định giả thuyết thống kê là một bài toán lớn và quan trọng của thống kê toán học, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, việc ứng dụng các phương pháp này trong đánh giá độ tin cậy của các đối tượng cơ khí nói chung và phương tiện đường sắt nói riêng cho từng trường hợp cụ thể, còn ít được đề cập. Vì vậy, trên trên cơ sở lý thuyết phương pháp kiểm nghiệm giả thuyết thống kê có tham số, hai mẫu, tác giả đã tiến hành xây dựng các chương trình tính toán tương ứng và ứng dụng các phương pháp đó cho một số bài toán cụ thể trong quá trình đánh giá độ tin cậy của phương tiện đường sắt

Phương pháp chiếu cq tự thích ứng với hướng gradient liên hợp giải bài toán chấp nhận tách và ứng dụng

Trang: 752-763 Nguyễn Thế Vinh
Tóm tắt

Bài toán chấp nhận tách là bài toán tối ưu lồi. Bài toán này đang được nghiên cứu mạnh vì những ứng dụng hiệu quả của nó trong xử lý ảnh và xử lý tín hiệu. Trong bài báo này, chúng tôi đề xuất một thuật toán dạng chiếu CQ kết hợp với phương pháp gradient liên hợp để giải bài toán chấp nhận tách trong không gian Hilbert. Cỡ bước Polyak được sử dụng để giảm thời gian chạy trong trường hợp bài toán có số chiều lớn. Thuật toán của chúng tôi chỉ cần tính một lần giá trị của hàm và đạo hàm trong mỗi bước lặp. Với các giả thiết phù hợp, chúng tôi đã chứng minh được rằng thuật toán hội tụ yếu đến một nghiệm của bài toán chấp nhận tách. Phương pháp của chúng tôi mở rộng và cải tiến một số kết quả gần đây theo hướng nghiên cứu này. Các kết quả số trong bài toán khôi phục thưa và sự so sánh với các thuật toán đã biết chỉ ra tính hữu hiệu của thuật toán đề xuất