Mục lục

Yếu tố tác động tới hành vi lái xe buýt vượt đèn vàng ở Hà Nội

Trang: 1322-1334 Bùi Trần Khánh Vân, Nguyễn Thanh Chương, Trần Thị Thảo, Hà Thị Ngọc, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Ngô Minh Ngọc, Nguyễn Minh Hiếu
Tóm tắt

Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư và phát triển của chính quyền thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, một trong các vấn đề hiện nay là dịch vụ buýt đang đánh mất đi cảm tình và sự yêu quý của người dân do các hành vi lái xe nguy hiểm của lái xe buýt. Với mục tiêu tìm hiểu nguyên nhân của việc vượt đèn vàng của lái xe buýt, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này trên cơ sở dữ liệu từ 320 lái xe buýt đang làm việc cho Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng áp lực công việc từ thời gian biểu, tình trạng tắc đường và trên cabin xe là những yếu tố chính thúc đẩy hành vi này. Bên cạnh đó, các lái xe giàu kinh nghiệm và từng có hành vi vi phạm quy định của công ty sẽ có xu hướng thực hiện hành vi lái xe vượt đèn vàng nhiều hơn. Trên cơ sở kết quả các yếu tố ảnh hưởng, một số giải pháp đã được đề xuất để hạn chế tình trạng này

Một phương pháp thiết kế hệ phân lớp dựa trên luật mờ sử dụng tập mờ dạng hàm s đảm bảo tính giải nghĩa được

Trang: 1335-1347 Nguyễn Đức Dư
Tóm tắt

Hệ dựa trên luật mờ có nhiều ứng dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, để trích rút được hệ luật ngắn gọn, có độ chính xác cao và đảm bảo tính giải nghĩa cần có phương pháp luận và kỹ thuật khác nhau, trong đó có phương pháp biểu diễn ngữ nghĩa của các từ ngôn ngữ trong cơ sở luật. Đại số gia tử cho phép tạo ra một cơ sở hình thức thiết kế ngữ nghĩa tính toán dựa trên tập mờ của các từ ngôn ngữ trong cơ sở luật từ ngữ nghĩa vốn có của chúng. Đã có nhiều nghiên cứu về phương pháp biểu diễn ngữ nghĩa tính toán dựa trên tập mờ đảm bảo tính giải nghĩa của hệ dựa trên luật mờ được đề xuất và được ứng dụng giải bài toán phân lớp và hồi quy. Các nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng, hình dạng của tập mờ ảnh hưởng đến độ chính xác hệ dựa trên luật mờ. Một phương pháp thiết kế cấu trúc đa ngữ nghĩa với tập mờ dạng hàm S đảm bảo tính giải nghĩa của hệ phân lớp theo qua điểm của Tarski được trình bày trong bài báo này. Kết quả thực nghiệm với 15 tập dữ liệu chuẩn phát sinh trong thực tiễn cho thấy phương pháp được đề xuất cho độ chính xác phân lớp tốt hơn trong khi không làm tăng độ phức tạp của hệ luật so với các phương pháp đã được công bố

Giải pháp phát triển điểm trung chuyển hành khách công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trang: 1348-1358 Nguyễn Thị Bích Hằng, Nguyễn Văn Dũng
Tóm tắt

Trong mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng dạng “tuyến trục-tuyến nhánh” (Hub and Spoke Network), các điểm trung chuyển hành khách đóng vai trò rất quan trọng để vận hành có hiệu quả hệ thống vận tải. Kết cấu mạng lưới tuyến có thể bị thay đổi hoặc phá vỡ nếu khả năng xây dựng điểm trung chuyển gặp khó khăn trong thực tế. Trong bối cảnh từ nay đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tái cấu trúc mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng từ dạng “điểm nối điểm” (Point-to-Point Network) sang dạng “tuyến trục-tuyến nhánh” (Hub and Spoke Network) thì việc xây dựng các điểm trung chuyển hành khách trở nên cấp thiết. Bởi vì, khả năng xây dựng các điểm trung chuyển hành khách sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả của quá trình tái cấu trúc mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng. Bài báo này sẽ phân tích các quy định pháp lý hiện hành về quy hoạch và quản lý trong các lĩnh vực: phát triển đô thị, sử dụng đất và giao thông nhằm xác định các khó khăn, trở ngại trong xây dựng, vận hành các điểm trung chuyển hành khách tại thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất các giải pháp khắc phục. Các giải pháp này bao gồm: lựa chọn vị trí, loại hình, chức năng của các điểm trung chuyển phù hợp với điều kiện cụ thể của thành phố và những điều chỉnh cần thiết về thể chế chính sách trong quy hoạch và quản lý xây dựng tạo cơ sở pháp lý để xây dựng các điểm trung chuyển hành khách tại thành phố Hồ Chí Minh

Phân tích uốn tĩnh của tấm sandwich phân lớp chức năng bằng phương pháp phần tử hữu hạn

Trang: 1359-1373 Dương Mạnh Tuấn
Tóm tắt

Vật liệu phân lớp chức năng (functionally graded material, FGM) ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật như xây dựng dân dụng, hàng không vũ trụ, công nghệ hạt nhân, v.v. Vì vậy, nghiên cứu ứng xử cơ học của kết cấu sandwich FGM được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm. Mục tiêu chính của bài báo này là sử dụng phần tử tứ giác (Q4) dựa trên lý thuyết biến dạng cắt bậc ba (third-order shear deformation plate theory, TSDT) để phân tích tĩnh tấm sandwich FGM. Phần tử được đề xuất với bảy bậc tự do (degrees of freedom, DOFs) trên mỗi nút dựa trên sự kết hợp hàm nội suy Lagrange và hàm nội suy Hermite để thiết lập phương trình cân bằng của tấm sandwich FGM. Sự kết hợp này giúp thoả mãn điều kiện ứng suất cắt bằng không tại mặt trên và dưới của tấm. Độ chính xác và hiệu quả của phương pháp đề xuất được kiểm chứng thông qua các ví dụ so sánh. Qua đó, tác giả nghiên cứu chi tiết ảnh hưởng của kích thước hình học và thuộc tính vật liệu đến phản ứng tĩnh của tấm sandwich FGM

Giải pháp điều khiển quản lý năng lượng cho hệ thống tích trữ năng lượng siêu tụ theo nhu cầu phụ tải trên các tuyến đường sắt đô thị

Trang: 1374-1388 Trần Văn Khôi, An Thị Hoài Thu Anh
Tóm tắt

Với chi phí ngày càng giảm, khả năng mang lại hiệu quả năng lượng lớn, tuổi thọ cao, hệ thống tích trữ năng lượng siêu tụ ngày càng được quan tâm ứng dụng trong giao thông điện để thu hồi năng lượng tái sinh. Bài báo này trình bày một giải pháp điều khiển phân bổ tối ưu năng lượng của hệ thống tích trữ siêu tụ trên các tuyến đường sắt đô thị dựa theo nhu cầu phụ tải điện kéo trong toàn chu kỳ. Mục tiêu là thu hồi triệt để năng lượng dư thừa từ quá trình hãm tái sinh của các đoàn tàu, đồng thời phân bổ tối ưu nguồn năng lượng tích trữ hỗ trợ giảm đỉnh tải cho trạm biến áp chỉnh lưu. Giải pháp đề xuất dựa trên nền tảng thuật toán nơron dự báo nhu cầu phụ tải điện kéo trong một chu kỳ để xác định nhu cầu năng lượng tại từng thời điểm. Tiếp đó, thuật toán tối ưu quy hoạch động được áp dụng để tìm ra chế độ làm việc và thông số điều khiển tối ưu cho bộ chuyển đổi DC/DC thực hiện quá trình phóng/nạp năng lượng của siêu tụ một cách tối ưu hóa trong toàn thời gian một chu kỳ. Một mô hình dựa trên thông số vận hành của trạm Láng trong ngày 24/06/2022 được sử dụng để kiểm nghiệm cho giải pháp đề xuất. Kết quả mô phỏng đã minh chứng quá trình phân bổ tối ưu năng lượng tích trữ và giảm mức tiêu thụ năng lượng điện kéo trong ngày của trạm đi 6,88%

Xây dựng chương trình kiểm định giả thuyết thống kê phi tham số trong đánh giá độ tin cậy của phương tiện đường sắt

Trang: 1389-1403 Nguyễn Đức Toàn, Đỗ Đức Tuấn
Tóm tắt

Trong quá trình đánh giá độ tin cậy của các đối tượng nói chung và phương tiện đường sắt nói riêng, cần xác định các đặc trưng của mẫu như giá trị trung bình, phương sai, độ lệch chuẩn, hệ số biến động v.v. Khi sử dụng mẫu được chọn ra từ một tổng thể, các đặc trưng này được sử dụng để ước lượng các đặc trưng tương ứng của tổng thể, ngoài ra chúng còn được coi là một giả thuyết và cần phải đánh giá xem một giả thuyết nào đó của tổng thể là đúng hay sai. Việc tìm ra kết luận để bác bỏ hay chấp nhận một giả thuyết được gọi là kiểm định giả thuyết. Bài toán kiểm định giả thuyết thống kê là một bài toán lớn và quan trọng của thống kê toán học, bao gồm kiểm định giả thuyết thống kê có tham số và phi tham số, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, việc ứng dụng các phương pháp này trong đánh giá độ tin cậy của các đối tượng cơ khí nói chung và phương tiện đường sắt nói riêng cho từng trường hợp cụ thể, còn ít được đề cập. Vì vậy, trên trên cơ sở lý thuyết kiểm nghiệm giả thuyết thống kê phi tham số, đã tiến hành xây dựng các chương trình tính toán tương ứng và ứng dụng các chương trình đó cho một số bài toán cụ thể trong quá trình đánh giá độ tin cậy của phương tiện đường sắt

Dự báo ô nhiễm không khí từ dữ liệu quan trắc sử dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo

Trang: 1404-1412 Cao Minh Quý, Phạm Hồng Hải
Tóm tắt

Ô nhiễm không khí đang tạo nên một thách thức đối với môi trường và sức khỏe của con người. Các chất gây ô nhiễm như các hạt bụi siêu nhỏ, khí độc hại phát sinh từ hoạt động của các phương tiện vận tải và quá trình sản xuất công nghiệp đang trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm không khí còn góp phần vào tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học trên Trái Đất. Bài báo trình bày phương pháp dự báo chất lượng không khí nhằm cảnh báo sớm ô nhiễm thông qua sử dụng mô hình trí tuệ nhân tạo. Mô hình nhận dữ liệu các chất ô nhiễm từ trạm quan trắc và dự đoán nồng độ các chất ô nhiễm này trong thời gian kế tiếp

So sánh hiệu quả giảm chấn của thiết bị cản gắn bên trong và gắn bên ngoài dây văng có xét đến độ cứng chống uốn của dây văng

Trang: 1413-1426 Nguyễn Duy Thảo
Tóm tắt

Để hạn chế dao động dây cáp văng trong cầu dây văng, các thiết bị giảm chấn cơ học được gắn thêm vào dây. Các thiết bị giản chấn nhớt thường được gắn giữa dây văng và bản mặt cầu (thiết bị cản gắn bên ngoài), trong khi đó thiết bị cản cao su thường được gắn giữa dây cáp văng và bên trong ống dẫn hướng của dây cáp văng (thiết bị cản gắn bên trong). Hiệu quả giảm dao động của hai dạng thiết bị này là hoàn toàn khác nhau. Bài báo trình bày các kết quả nghiên cứu dao động dây cáp văng với hai mô hình gắn thiết bị cản nhớt và cản cao su. Độ tin cậy của kết quả nghiên cứu được kiểm chứng với các kết quả của các tác giả khác đã công bố trước đây. Tiến hành khảo sát, so sánh hiệu quả giảm dao động của thiết bị cản gắn nhớt và cao su, từ đó đưa ra các khuyến cáo về việc áp dụng hai loại thiết bị cản này. Bài báo cũng tiến hành phân tích ảnh hưởng của các thông số của các thiết bị cản, độ cứng chống uốn của dây đến tỷ số cản của dây cáp văng, qua đó có thể giúp các kỹ sư thiết kế lựa chọn được các thông số tối ưu của các thiết bị cản

Mô hình phần tử hữu hạn phân tích biến dạng tường chắn đất được gia cường lưới địa kỹ thuật

Trang: 1427-1438 Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Khắc Tuấn
Tóm tắt

Tường chắn đất có cốt được tạo thành từ các khối bê tông mặt tường, đất đắp sau tường và các lớp cốt gia cường làm bằng lưới địa kỹ thuật. Sự tương tác giữa các thành phần vật liệu này làm cho ứng xử biến dạng của hệ khá phức tạp. Bài báo trình bày mô hình phần tử hữu hạn (PTHH) phân tích biến dạng của hệ tường chắn đất có cốt. Mô hình có xét đến sự tương tác giữa các khối bê tông tường, đất đắp và các lớp cốt gia cường. Để kiểm chứng mô hình, tác giả sử dụng kết quả đo đạc thực nghiệm trên hệ tường chắn đất có cốt trong một nghiên cứu đã cống bố trước đây. So sánh kết quả mô phỏng với kết quả thực nghiệm cho thấy rằng: biến dạng trong các lớp cốt chênh lệch trung bình khoảng 10%; chuyển vị ngang dọc theo mặt tường chênh lệch trung bình khoảng 5%; đặc biệt tại khu vực giữa chiều cao tường, chuyển vị ngang lớn nhất của mặt tường chênh lệch chỉ 1,4%. Kết quả kiểm chứng ngụ ý rằng mô hình PTHH có thể phục vụ hiệu quả cho các nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của các đặc trưng hình học mặt tường, cường độ của đất đắp, cường độ và chiều dài lớp cốt gia cường, v.v. đến ứng xử của hệ tường chắn đất có cốt

Xây dựng giải pháp tính chuyển tọa độ từ phép chiếu mercator sang UTM trong công tác trắc địa phục vụ xây dựng công trình biển tại Việt Nam

Trang: 1439-1451 Nguyễn Thanh Lê, Trần Quang Học, Tống Thị Hạnh
Tóm tắt

Tính chuyển tọa độ giữa các hệ tọa độ trong cùng một hệ quy chiếu, giữa các hệ tọa độ thuộc các hệ quy chiếu khác nhau là một nhiệm vụ quan trọng của ngành trắc địa. Đặc biệt đối với các nhiệm vụ trên biển, dựa trên từng nhiệm vụ cụ thể, dữ liệu sử dụng có thể được xác định trong hệ tọa độ phẳng theo phép chiếu Mercator hoặc hệ tọa độ phẳng theo phép chiếu UTM. Bài báo đề xuất giải pháp tính chuyển tọa độ từ phép chiếu Mercator sang phép chiếu UTM và ngược lại. Trong nội dung bài báo, cơ sở lý thuyết toán học về phương pháp tính chuyển tọa độ giữa hai phép chiếu được trình bày lại một cách chi tiết, chặt chẽ và dể thực hiện. Ngoài ra, để thuận tiện cho công tác tính chuyển cũng như kiểm tra tính đúng đắn của phương pháp, nhóm tác giả đã xây dựng phần mềm Geotranfers. Kết quả tính toán thực nghiệm trên phần mềm cho độ lệch rất nhỏ 1,3 mm, điều đó chứng tỏ phương pháp và phần mềm mà nhóm tác giả xây dựng có độ chính xác và độ tin cậy cao. Do đó, giải pháp mà nhóm tác giả đưa ra hoàn toàn đáp ứng được bài toán trong thực tiễn khi tính chuyển tọa độ từ phép chiếu Mercator sang phép chiếu UTM và ngược lại

Nghiên cứu các mô hình số mô phỏng tải trọng nổ lên kết cấu bê tông cốt thép sử dụng phần mềm Abaqus

Trang: 1452-1462 Lê Bá Danh
Tóm tắt

Để hạn chế tối đa thiệt hại do tải trọng nổ lên các công trình bê tông cốt thép, việc nghiên cứu về tác động của tải trọng này lên kết cấu bê tông cốt thép là hết sức cần thiết, để từ đó có các giải pháp về mặt kết cấu, giải pháp về vật liệu phù hợp. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu các mô hình số mô phỏng tải trọng nổ lên kết cấu bê tông cốt thép sử dụng phần mềm phần tử hữu hạn Abaqus. Ba mô hình số mô phỏng tải trọng nổ được sử dụng trong phần mềm Abaqus được nghiên cứu gồm: Phương pháp không lưới (SPH), phương pháp sử dụng khối nổ tương đương và phương pháp kết hợp Lagrangian – Eulerianian. Kết quả nghiên cứu mô phỏng số và thực nghiệm được thực hiện trên tấm bê tông cốt thép có kích thước 1000x1000x60mm. Tải trọng nổ nghiên cứu là thuôc nổ TNT được đặt cách mặt thoáng của tấm bê tông cốt thép 5cm. Bê tông được mô phỏng tuân theo mô hình Johnson–Holmquist-II (JH-2). Mô hình đàn dẻo được sử dụng để mô phỏng cốt thép. Sự hư hại và phá hủy ở mặt trên, mặt dưới và ứng xử cơ học của các mẫu thí nghiệm dưới tác động của tải trọng nổ được phân tích và so sánh giữa thí nghiệm và mô phỏng để đánh giá hiệu quả của các mô hình sử dụng

Xác định chiều rộng đê tường đứng rỗng dạng ngập đáp ứng hiệu quả chiết giảm sóng đơn dùng mô hình số và phương trình hồi quy bậc hai

Trang: 1463-1476 Phạm Văn Khôi
Tóm tắt

Dưới ảnh hưởng ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, hàng loạt các bờ biển, bãi biển, hải đảo bị xói lở nghiêm trọng. Đê chắn sóng rỗng dạng ngập được sử dụng để giảm sóng tới một cách chủ động từ xa mà vẫn đảm bảo mỹ quan, không che chắn đối với các hoạt động tắm biển, du lịch. Tuy nhiên, do kết cấu đê rỗng và đỉnh ngập dưới mực nước tĩnh nên hiệu quả giảm sóng là không cao. Nghiên cứu này đề xuất biện pháp tăng bề rộng đê và chỉ dẫn cách thực hành tính toán xác định bề rộng đê tường đứng rỗng dạng ngập đáp ứng hiệu quả chiết giảm sóng đơn tới. Mô hình số Flow-3D được sử dụng để mô phỏng và xác định hệ số truyền sóng với 48 kịch bản khác nhau về chiều cao đê, bề rộng đê và chiều cao sóng đơn tới. Kết quả cho thấy sự phù hợp về hệ số truyền sóng đối với các trường hợp chiều cao đê và bề rộng đê ngập tăng dần. Các điểm quan hệ bề rộng đê - hệ số truyền sóng được sử dụng để thiết lập các đường hồi quy bậc hai. Hệ số truyền sóng và hệ thống đồ thị các đường hồi quy bậc hai được sử dụng để chỉ dẫn thực hành tính toán bề rộng đê tường đứng rỗng dạng ngập đáp ứng hiệu quả chiết giảm sóng đơn